Đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh được đầu tư nâng cấp khang trang (Ảnh: K.V) (Ảnh nguồn internet)
Từ khi thực hiện Chương trình nông thôn mới đến nay, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn từng bước được nâng cao. Chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện.
Hiện cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5 triệu công trình với khoảng 70.000 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp hơn 3.000 công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu, trong đó nạo vét, tu sửa gần 7.000 km kênh mương; huy động khoảng 15.205 tỷ đồng vốn đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện nông thôn; nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh, 40% số xã thành lập tổ thu gom rác thải. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin internet tốc độ cao đã đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã, khoảng 55% số xã có điểm truy cập internet công cộng. Tổng số vốn đầu tư cải tạo, xây dựng chợ nông thôn đạt 2.783 tỷ đồng. Trường học các cấp từng bước xây dựng theo chuẩn và xã hội hóa. Hệ thống các trạm y tế được tăng cường cả về số lượng và bổ sung nhân viên y tế. Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng xây dựng và nâng cấp. Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ. Theo tổng kết từ báo cáo của các địa phương, tính đến hết 2014, hầu như các xã trên toàn quốc đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ trên 90% so với tổng số xã trên toàn quốc (trước khi có Quyết định 193/QĐ-TTg, toàn quốc mới chỉ đạt 23,4%). Tính đến hết năm 2014, có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 8,8%.
Riêng Tây Ninh, năm 2014, toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 300 hạng mục công trình (giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, công trình cấp nước sạch), trong đó xây dựng, nâng cấp 234,6 km đường giao thông nông thôn, kiên cố và nạo vét 14,8 km kênh mương nội đồng; xây dựng 31 trường đạt chuẩn; kiên cố hóa 243 phòng học; xây dựng mới 14 trạm y tế xã; nâng cấp, xây mới 8 trung tâm văn hóa xã và 23 công trình văn hóa ấp (bao gồm văn phòng ấp); sửa chữa, nâng cấp 6 công trình cấp nước tập trung và 20 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư; xây tặng 546 căn và sửa chữa 138 căn nhà Đại đoàn kết. Tính đên hết năm 2014, Tây Ninh có 6 xã đạt chuận nông thôn mới.
Trong những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình theo hướng xanh - sạch - phát triển bền vững. Điển hình, đối với cây lúa đã áp dụng các mô hình "ruộng lúa bờ hoa", "1 phải 5 giảm", "cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP". Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn.
Áp dụng sản xuất xanh - sạch để nông nghiệp có thể phát triển bền vững, tính cạnh tranh của nông sản được nâng cao, công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải theo đó mà phát triển, khí nhà kính cũng giảm phát thải... đảm bảo bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Để phát triển bền vững, nền nông nghiệp truyền thống cần sự thay đổi toàn diện. Vì vậy, việc rà soát lại cơ chế, chính sách liên quan và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới ngành kinh tế xanh là thách thức không nhỏ.
Cùng sự phát triển kinh tế-xã hội, mô hình nông thôn truyền thông theo đó thay đổi: kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Bên cạnh những mặt tích cực sự thay đổi này đã tạo áp lực đối với môi trường như gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch, gia tăng lượng chất thải do gia tăng nhu cầu tiêu dùng...Bên cạnh áp lực từ nhu cầu nước sạch, nông thôn còn đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải. Kinh tế phát triển khiến cho nhu cần tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn ngày càng cao. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cải tạo ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn khiến cho nhiều loại hàng hóa lưu thông mạnh. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng thành phần và tải lượng rác thải sinh hoạt nông thôn. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường....
Việc xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn tại các địa phương cũng vừa là thách thức, vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.
MN