VQG Lò Gò - Xa Mát thuộc địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 30Km về phía Tây Bắc, là khu rừng tự nhiên có diện tích tập trung lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, chiếm 21% diện tích rừng toàn tỉnh và là VQG duy nhất, rừng cây gỗ phủ xanh trên đất thấp ở vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò như một khu di tích lịch sử văn hóa và là rừng phòng hộ đầu nguồn của sông Vàm Cỏ Đông.
Với tổng diện tích 18.803 ha và vùng đệm là 18.600 ha, VQG Lò Gò Xa Mát là khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và khu vực thấp trũng lưu vực sông Mê Kông. Chính sự giao thoa giữa 2 vùng cao - thấp này đã làm gia tăng sự giàu có về đa dạng sinh học cho VQG gồm tất cả các loài đặc trưng của vùng cao và các loài chỉ có ở vùng đất thấp đồng bằng sông Mê Kông.
VQG Lò Gò - Xa Mát có 40Km đường ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Ranh giới của vườn cũng là ranh giới quốc gia cho nên việc quản lý tốt VQG Lò Gò - Xa Mát còn có ý nghĩa về an ninh trật tự nơi biên giới, giữ rừng, giữ đất cho quê hương.
VQG Lò Gò - Xa Mát sẽ không chỉ là nguồn tài nguyên vô giá của tỉnh Tây Ninh, của đất nước mà còn điểm du lịch sinh thái, du lịch về nguồn hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tới tham quan và khám phá.
Rừng cây dầu là một cánh rừng lớn nhất của VQG Lò Gò-Xa Mát. Ở khu rừng này, ưu thế cây họ dầu, như Dầu nước, Dầu con rái, Dầu mứt hỗn giao với một số loài cây khác mọc chủ yếu tập trung hai bên bờ suối DaHa.
Ngoài ra, rừng còn có những thân cây vươn thẳng tấp chiều cao khoảng 40m. Những cánh rừng dầu này đã tồn tại suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cả chiến tranh biên giới Tây Nam, chính nơi đây đã che chở cho bộ đôi ta dưới làn bom dạn của quân thù. Đây là một trong những đối tượng rất đặc biệt mà VQG Lò Gò - Xa Mát bảo vệ rất nghiêm ngặt, vừa là nơi bảo tồn các di tích lịch sử, vừa là bảo tàng sống về thiên nhiên Việt Nam, đồng thời cũng là một cánh rừng dầu giống, quả của nó được ươm trồng ra những khu vực rừng dầu của VQG Lò Gò - Xa Mát.
Rừng khộp (còn gọi là rừng dầu trà beng) được coi là một rừng thưa cây họ dầu và rất đặc trưng ở VQG Lò Gò - Xa Mát. Với kiểu rừng này, nhiều người nghĩ rằng đây là một loại rừng nghèo, vì cây cối tương đối thưa. Tuy nhiên, nó vẫn có đủ 3 tầng che phủ cho đất. Vào mùa mưa, khu vực này chính là bồn trũng để chứa nước làm tác dụng phòng hộ đầu nguồn cho sông Vàm Cỏ, và đây cũng là nơi kiếm ăn săn mồi của các loài thú ăn thịt và ăn cỏ như: hoẵng, cheo, thỏ, chồn, ó, đại bàng …
Trảng Tà Nốt, một khu đất ngập nước lớn và đẹp của VQG Lò Gò-Xa Mát, khu vực này chỉ cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 500m. Sinh cảnh đất ngập nước là nơi rất quan trọng để bảo tồn các loài chim nước bởi vì chúng hỗ trợ nhiều loài chim quan trọng không phát hiện được tại các sinh cảnh khác. Tại đây đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như: Giang sen, Già đẫy Java, Cò ốc, Gà lôi hồng tía, Gà tiền mặt đỏ, Chích chạch má xám. Ngoài ra, Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân bay qua của loài Sếu đầu đỏ trên tuyến di cư về nơi sinh sản tại Campuchia. VQG Lò Gò-Xa Mát được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam, trong đó có 8 loài quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như Gà lôi hồng tía, Già đẫy Java, Hạc cổ trắng, Sếu đầu đỏ, Cò ốc (cò nhạn)…
Các trảng cỏ, nhất là các trảng cây thuốc nhân trần mọc thành thảm cũng là một kiểu sinh thái cảnh quan đặc biệt khó tìm thấy một hình ảnh tương tự nào trong các khu bảo tồn khác của Việt Nam.
Bên cạnh những đặc điểm ưu tiên về đa dạng sinh học, VQG Lò Gò - Xa Mát GXM còn là điểm du lịch lịch sử, về nguồn đặc sắc. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây còn là căn cứ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, các cơ quan Trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh giải phóng, nhà in, xưởng phim, Thông tấn xã Giải phóng… Do vậy, việc bảo tồn phát triển VQG không những có ý nghĩa phát triển bảo tồn vùng rừng nguyên sinh, giá trị về mặt sinh cảnh mà còn có giá trị lớn hơn đó là về ý nghĩa truyền thống cách mạng của dân tộc.
Tâm Giang