Quang cảnh phiên họp
Đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Đào Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh thông qua báo cáo
Theo báo cáo của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn đạt hơn 3.274 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 12%) so đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 310 tỷ đồng (tăng 11,67%) so với đầu năm; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 300 tỷ đồng.
Tổng doanh số cho vay đạt hơn 860 tỷ đồng. Doanh số thu nợ 510 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.266 tỷ đồng, tăng 350,2 tỷ đồng so với năm 2021 (tăng 12%), đạt 86,16 % kế hoạch tăng trưởng, đạt 98,3% kế hoạch năm, với 110.674 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 34,58% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Có 5/9 đơn vị tăng trưởng dư nợ cao hơn so với bình quân chung toàn chi nhánh như huyện Châu Thành 90,44%, thị xã Trảng Bàng 88,78%,...
Đến cuối tháng 9/2022, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh là gần 22 tỷ đồng, chiếm 0,67% tổng dư nợ, tăng hơn 1,8 tỷ đồng so đầu năm.
Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đến ngày cuối tháng 9/2022, đã thực hiện giải ngân cho vay 2.570 khách hàng, với số tiền 130.600 triệu đồng, đạt 75,6% kế hoạch. Từ việc tổ chức "Tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo", tổng số tiền huy động của đợt phát động là hơn 164 tỷ đồng (đạt 657,5% kế hoạch).
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay thông qua NHCSXH đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có vốn để đầu tư phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 3.580 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cũng cho biết, việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP kết quả giải ngân một số chương trình còn thấp. Cụ thể, Chương trình cho vay nhà ở xã hội kết quả giải ngân đạt 37,8%; Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập kết quả 67,3%; Chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến kết quả giải ngân đạt 79%. Toàn tỉnh có 02 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%. Tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú phát sinh gia tăng, toàn tỉnh có 839 hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, tăng 170 hộ so với đầu năm.
Các đại biểu nêu ý kiến làm rõ thêm những vấn đề liên quan
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đề ra mục tiêu 3 tháng cuối năm, phấn đấu đạt từ 99% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2022; duy trì thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng huy động vốn tại địa phương do Trung ương cấp bù lãi suất; tập trung công tác xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn. Phấn đấu đến cuối năm giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,25%/tổng dư nợ; mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 xã không có nợ quá hạn.
Đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đánh giá, nhìn chung trong 9 tháng, các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt, các chỉ tiêu đạt khá toàn diện, gần đạt kế hoạch.
Với các tồn tại đã được các đại biểu xác định, phân tích, đánh giá, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, cấp huyện tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 625 của UBND tỉnh liên quan đến tín dụng chính sách; quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương qua ủy thác để bổ sung hàng năm cho vay giải quyết việc làm theo dự kiến. Thực hiện điều chỉnh, phân bổ vốn kịp thời trên địa bàn cũng như giữa các chương trình để tránh tồn động vốn. Thực hiện công tác kiểm tra giám sát theo kế hoạch, xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn phụ trách.
Đồng chí Võ Đức Trong yêu cầu NHCSXH tỉnh tập trung chỉ đạo để phối hợp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của chương trình năm 2022, đặc biệt là giải ngân theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ các đơn vị, địa phương liên quan rà soát lại đối tượng cho vay, tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng, tránh những sai sót.
Đồng thời củng cố đối tượng vay, tăng cường quản lý và phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền các cấp tập trung xử lý nợ và nợ không có khả năng thu hồi và khoanh nợ trên địa bàn, góp phần kéo giảm tỷ lệ nợ xấu, tăng hiệu quả tín dụng chính sách hơn nữa.
XV