Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung ương: Giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Tây Ninh

Thứ sáu - 21/08/2015 15:00 46 0
Chiều 19.8, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung ương đã có buổi làm việc cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Tây Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2015.
6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 13 bệnh truyền nhiễm có trường hợp mắc, trong đó 8 bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng so cùng kỳ năm 2014: viêm gan, lỵ, cúm, tiêu chảy, uốn ván, sốt suất huyết (SXH), quai bị và thương hàn.

Ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Về sốt xuất huyết Dengue (SXHD), toàn tỉnh ghi nhận 208 trường hợp mắc, tăng 26,8% so cùng kỳ năm 2014 (164 trường hợp), trong đó có 9 trường hợp nặng (tăng 28,57% so cùng kỳ năm 2014).

4 huyện có số mắc SXHD tăng là: Gò Dầu (56 trường hợp, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2014), Trảng Bàng (20 trường hợp, tăng 100% so với cùng kỳ), Dương Minh Châu (14 trường hợp, tăng 75% so với cùng kỳ), Thành phố Tây Ninh (20 trường hợp, tăng 15% so cùng kỳ). Đặc biệt, Gò Dầu là huyện có số trẻ dưới 15 tuổi mắc SXHD tăng cao, 31 trường hợp (so với cùng kỳ năm 2014 là 6 trường hợp).

Riêng bệnh viêm gan virus có 98 trường hợp mắc, tăng đến hơn 500% so với cùng kỳ.

Một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2014, đó là: sởi, ghi nhận 5 trường hợp mắc, giảm 93,8% so cùng kỳ; viêm não virus có 3 trường hợp mắc, giảm 62,5%; bệnh Tay chân miệng (404 trường hợp mắc, giảm 52%), tuy nhiên, tử vong tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ 2014 (không có tử vong); lỵ trực trùng ghi nhận 90 trường hợp mắc, giảm 29,1% so cùng kỳ; thuỷ đậu có 337 trường hợp mắc, giảm 27,2%.

Cũng trong sáu tháng đầu năm, Ban chỉ đạo ghi nhận 17 bệnh truyền nhiễm không có trường hợp mắc, đó là: Bệnh liệt mềm cấp, rubella, tả, bệnh dại, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, Corona virus (MERS-CoV), Ebola, viêm màng não do não mô cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, liên cầu lợn, bệnh do virus Adeno, dịch hạch, xoắn khuẩn vàng da (Leptospira) và bệnh than.

Công tác phòng chống cúm gia cầm cũng được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Chi cục Thú Y tỉnh đã triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh cho động vật tại địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2015, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người như bệnh liên cầu lợn, bệnh dại, cúm gia cầm A/H5N1, cúm A/H7N9 không xảy ra trên người; dịch bệnh trên động vật như heo tai xanh, bệnh dại và cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

PGS.TS Phan Trọng Lân giám sát thực địa công tác phòng chống dịch bệnh tại phường IV, TP.Tây Ninh.

Về phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, tổ chức tập huấn chẩn đoán và điều trị cho cán bộ y tế, kể cả hệ thống y tế tư nhân; tuyên truyền cho hành khách qua lại các cửa khẩu và truyền thông trong cộng đồng; thiết lập đường dây nóng và 10 đội thường trực chống dịch MERS-CoV 24/24 giờ trên địa bàn tỉnh;...

6 tháng đầu năm, kiểm dịch y tế quốc tế đã kiểm tra 314.778 lượt khách nhập cảnh, trong đó có 24 hành khách nhập cảnh đến từ vùng dịch MERS-CoV (Hàn Quốc) chưa qua 14 ngày; 1 hành khách nhập cảnh đến từ vùng dịch Ebola (Nigeria) chưa qua 21 ngày.

Với đặc thù là tỉnh có nhiều cửa khẩu biên giới và hàng chục km đường tiểu ngạch, việc qua lại giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia khá thuận lợi, do đó vấn đề kiểm soát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập qua biên giới là rất khó khăn.

Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ dự phòng và điều trị ở một số nơi còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng và phức tạp. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ từ tỉnh đến huyện còn hạn chế, thông tin chưa phủ khắp, chưa thường xuyên và liên tục đến vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ phụ trách còn thiếu về số lượng cũng như về năng lực chuyên môn, đặc biệt là thiếu bác sĩ hệ dự phòng. Một vài ban, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, chủ động hỗ trợ ngành y tế kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa hiểu rõ tác hại của việc mắc bệnh truyền nhiễm và sự lây lan của dịch nên chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Diễn tập phòng, chống dịch cúm A/H5N1 ở người và gia cầm. Ảnh minh hoạ

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Trọng Lân đánh giá cao sự quan tâm của UBND tỉnh Tây Ninh và cơ chế phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Ông Lân nhấn mạnh, để công tác phòng chống dịch được nâng cao, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó với các tình huống xuất hiện dịch. Riêng ngành Y tế, đặc biệt là bệnh viện, phải thường xuyên có các cuộc diễn tập phòng chống và dập dịch. Tăng cường tuyên truyền, xây dựng hành vi tốt trong phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng…

Trước đó, đoàn giám sát đã có đợt giám sát và thực địa công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương trong tỉnh.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây