Hiệu quả từ các dự án đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015

Thứ sáu - 21/08/2015 09:00 42 0
Trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, Tây Ninh tập trung hoàn thành mục tiêu các lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng dân số; giảm nghèo; cải thiện môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm; phòng, chống tội phạm, ma túy. Tổng kết giai đoạn 2011-2015, Tây Ninh đạt nhiều hiệu quả từ các dự án của Chương trình mang lại.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được mở rộng; Tỉnh đã tổ chức thực hiện dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, điều tra cung lao động và hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm, đã tạo điều kiện giải quyết việc làm mới trung bình 21.250 lao động/năm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm dần, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề tăng hàng năm. Lập kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2011-2015, tổ chức các lớp đào tạo chủ yếu về những kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp và ứng xử công vụ của cán bộ công chức cấp xã.

Công tác giảm nghèo được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,45%/năm. Trong giai đoạn, đã triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện xây dựng và sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông, đường điện hạ thế, sửa chữa nâng cấp chợ và khai thông kênh mương phục vụ sinh hoạt. Góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Chất lượng các hoạt động văn hóa – thông tin – thể dục thể thao từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, bảo đảm sự tồn tại lâu dài, phục vụ các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ. Các di tích được tu bổ đã trở thành các điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch của tỉnh. Năm 2013, Di tích Trung ương cục miền Nam đón bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Các thiết chế văn hóa cơ sở, các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em được đầu tư góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động, có 81% Trung tâm văn hóa – thể thao – học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, Công tác phổ cập giáo dục các cấp được tăng cường đã góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nâng cao dân trí. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi được đến lớp để chăm sóc, giáo dục 2 buổi ngày, chuẩn bị tốt cho trẻ về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ và tâm lý sẵn sàng vào học lớp 1. Có 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Tiếp tục duy trì và giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học; đã công nhận 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công nhận 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học. Việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục được đổi mới toàn diện, nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên tỉnh nhà có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân tỉnh nhà. Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được củng cố và hoàn thiện, được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú, phấn đấu sau năm 2015 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ trong việc phòng, chữa bệnh và khống chế hiệu quả các dịch bệnh. Đồng thời mua sắm các thiết bị mới cho các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngành Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan  thực hiện chăm sóc sức khỏe người dân vùng biên giới, vùng sâu vùng xa và bộ đội biên phòng. Ý thức của cộng đồng dân cư được nâng lên trong phòng, chống các dịch bệnh và đồng thời khám, phát hiện và kiểm soát quản lý điều trị, tư vấn cho bệnh nhân. Công tác bảo vệ và chăm sóc bà mẹ trẻ em được tăng cường, kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ 5 tuổi còn 14%, nâng cao tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin. Nhận thức về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong cộng đồng dân cư được nâng lên, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được triển khai rộng khắp, đã góp phần giảm tỷ lệ sinh đến năm 2015 đạt 0,05‰. 100% dân cư thành thị và 96% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, hỗ trợ xây dựng công trình hố xí hợp vệ sinh hộ gia đình khu vực nông thôn thuộc đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung, tổ chức các lớp tập huấn công tác vận hành, bảo trì các trạm cấp nước. Hỗ trợ thực hiện công tác vận hành, bão dưỡng thường xuyên các công trình, đảm bảo hoạt động bền vững, đặc biệt là các vùng khó khăn. Chất lượng nước được đánh giá theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường bền vững nhằm giải quyết nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho nhân dân nông thôn. Thay đổi thói quen dùng nước của người dân, hạn chế tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh tật có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chú trọng thực hiện, Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP). Đánh giá thực trạng điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản. Nhắc nhở và xử lý các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước quản lý chặt chẽ công tác VSATTP trên địa bàn quản lý. Đánh giá tình hình dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả lưu thông, cung ứng trên thị trường là cơ sở để ngành nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người sản xuất, nhất là tại các vùng sản xuất rau an toàn tuân thủ đúng quy trình sản xuất; đồng thời định hướng cho dư luận phòng ngừa được các mối nguy đe dọa ô nhiễm thực phẩm và tránh được sự hoang mang trong người tiêu dùng. Đánh giá chất lượng của môi trường nuôi trồng thủy sản; đề ra những khuyến cáo nhằm cải thiện môi trường ngày càng tốt hơn, tránh những tác động xấu của môi trường ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi. Ngoài ra, ngành còn khuyến cáo, tuyên truyền đến người nuôi không nên sử dụng những hóa chất, kháng sinh, chất xử lý môi trường cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Hoàn thành việc lập và chuẩn bị ban hành dự án đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng và dự án xây dựng, triển khai các kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin truyền thông đến từng huyện, xã được triển khai dự án theo hướng chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông tại cơ sở. Người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới của 20 xã thuộc 05 huyện biên giới được trang bị kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy được đẩy mạnh tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, ý thức của cộng đồng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy được nâng lên. Các tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm liên quan đến ma túy được kiềm chế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức tuyển truyền, giáo dục, vận động quần chúng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, phát động phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc.

Công tác xây dựng nông thôn mới được nhiều kết quả tích cực; Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với phương châm huy động tất cả các nguồn lực, "nhà nước và nhân dân cùng làm", bước đầu một số xã điểm đã tạo phong trào thi đua xây dựng NTM sôi nổi, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên. Lồng ghép chương trình MTQG xây dựng NTM với các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác; mức độ đạt được của các tiêu chí nông thôn mới của các xã đã được tăng lên; dần khắc phục những hạn chế trong trong tác chỉ đạo điều hành Chương trình, nhất là ở cấp xã. Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỉnh Tây Ninh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại tăng từ 1-3 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tây Ninh tiến hành xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện gồm 02 chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

 K.B

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây