Đại biểu phát biểu đóng góp các nội dung có liên quan.
Chiều 28.11, ông Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp thẩm tra 4 nội dung liên quan lĩnh vực kinh tế trước kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh. Tham dự phiên họp có bà Phan Thị Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Các nội dung được thẩm tra gồm: Tờ trình số 3262/TTr-UBND ngày 17.11.2016 của UBND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đợt 2 năm 2016 trên địa bàn tỉnh; về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về Tờ trình số 3263/TTr-UBND ngày 17.11.2016 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; Tờ trình số 3272/TTr-UBND ngày ngày 18.11.2016 về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự họp cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đợt 2 năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích đất là hơn 83,5 ha (gồm hơn 66,5 ha đất lúa và 17 ha đất rừng đặc dụng) được chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho 36 dự án.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, việc triển khai các dự án được HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng thời gian qua rất chậm. Cụ thể, năm 2014, có 47/97 dự án chưa triển khai với diện tích 131,55 ha; năm 2015 có 37/70 dự án chưa triển khai với diện tích 75,6 ha.
Trước thực trạng này, Ban KTNS đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân vì sao nhiều dự án chậm triển khai; xác định trách nhiệm và đề ra giải pháp xử lý. Đồng thời, UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định việc đưa ra khỏi danh mục dự án chậm triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả. Đối với các dự án, công trình có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng đợt 2 năm 2016 trên địa bàn tỉnh, sau khi được HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng, Ban KTNS đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm các công trình, dự án được triển khai kịp thời, đúng mục đích sử dụng đất và mang lại hiệu quả thiết thực; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả cho HĐND tỉnh. Ban KTNS thống nhất với dự thảo Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đợt 2 năm 2016 trên địa bàn tỉnh.
Ban KTNS cũng cơ bản thống nhất với dự thảo nội dung về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2017 (có 51 dự án được thu hồi đất, diện tích 221,38 ha). Ban KTNS đề nghị, trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh cần chỉ đạo tập trung nguồn vốn thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các dự án, công trình này đúng tiến độ, bảo đảm trong kỳ kế hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng thu hồi xong rồi để đó hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc trong nhân dân. Ban KTNS cũng thống nhất với dự thảo Nghị quyết về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Đối với Tờ trình về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh, Ban KTNS cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 – 2015, Ban nhận thấy việc thực hiện quy hoạch còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; việc quản lý còn nhiều khó khăn do một số người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; một số dự án đầu tư được cấp phép theo nhu cầu của nhà đầu tư và triển khai chậm nên chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
Do vậy, Ban KTNS đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trên. Trong đó có việc tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là dự án đầu tư hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, khu kinh tế; chấn chỉnh, xử lý tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng… Ban KTNS thống nhất với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối.
Về Tờ trình mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, Ban KTNS cho rằng, việc ban hành chính sách này là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành cánh đồng lớn; tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp tập trung, thuận lợi trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, các mô hình cơ giới hoá; thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đối với một số nội dung trong tờ trình này.
Bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến: Có cần phải khuyến khích phát triển cây cao su hay không? Vì trên thực tế, diện tích cây này đã vượt quy hoạch. Đầu ra cũng không gặp khó khăn, có bao nhiêu mủ người trồng đều bán hết cho nhà máy chế biến. Do đó, không cần thiết phải hỗ trợ đối với người trồng cao su, vì không khéo lại đi hỗ trợ… cho người giàu. Sau khi phân tích, thảo luận, trao đổi, ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp thu và đồng tình kiến nghị UBND tỉnh không đưa cây cao su vào chính sách hỗ trợ như đã nêu trong tờ trình.
Ông Lê Anh Tuấn cũng đề nghị nghị loại bỏ những loại cây không khuyến khích phát triển và loại cây đã bão hoà; chú ý những cây trồng nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, đồng thời tiêu chí để hưởng chính sách phải cụ thể, rõ ràng.
Sau khi thảo luận, Ban KTNS thống nhất các nội dung về đối tượng và mức hỗ trợ nêu tại tờ trình của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Ban KTNS đề nghị UBND tỉnh có đánh giá đầy đủ hơn về kết quả, hiệu quả thực hiện cánh đồng lớn trong thời gian qua; đề nghị rà soát lại các nhóm, loại cây để xác định những cây trồng cần được hỗ trợ cho phù hợp với tình hình hình thực tế của địa phương và định hướng, quy hoạch phát triển cây trồng, trong đó cân nhắc lại việc hỗ trợ đối với nhóm cây trồng là hoa, cây cảnh, cây cao su... Về định mức chi hỗ trợ, cần phân tích làm rõ tính tích cực của mức hỗ trợ chi phí bảo vệ thực vật trong việc bảo đảm nâng cao ý thức người sản xuất nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Ban cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết.
Theo BTNO