Ban Giao bưu vận trong lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. |
Ngành Giao bưu vận ra đời …
Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bị chia cắt hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Mỹ ngụy. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng”, lực lượng giao bưu, thông tin tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trên cả 2 chiến trường Nam - Bắc. Tại chiến trường miền Nam, giai đoạn từ năm 1954-1961 là thời kỳ ngành Giao bưu, Thông tin tổ chức đường dây thông tin liên lạc bí mật phục vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Trước yêu cầu mới của cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (ngày 2/6/1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.
Nhiệm vụ của Ban Giao bưu vận là bảo đảm đường dây thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường, là hệ thống mạch máu quan trọng của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam. Ban Giao bưu vận còn có nhiệm vụ khác như: Xây dựng, quản lý hệ thống hành lang; Tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ; Tiếp nhận, phát hành và vận chuyển hàng Bưu chính; Xây dựng các bến bãi, kho hàng để tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự và các hàng chiến lược khác từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam theo đường bộ và đường biển... Với tính chất của nhiệm vụ: Giao thông - Bưu chính - Vận tải trên khắp chiến trường miền Nam, trọng điểm là Nam bộ và khu 6, tổ chức bộ máy gồm nhiều tiểu ban: Bưu chính, Giao thông vận tải, Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Tổng phát hành; Tổng trạm; các trạm đầu mối vùng căn cứ các hành lang và các Đoàn công tác. Bên cạnh đó, Ban còn có Trường đào tạo bồi dưỡng văn hóa; Bệnh xá và Đài vô tuyến điện.Tính đến cuối năm 1963, tổng số trạm trên các hành lang của toàn ngành có 220 trạm, quân số 6.250 người. cuối năm 1964 có 269 trạm với 8.049 người, cuối năm 1965 lên đến 1,5 vạn người và trên 350 trạm. Với hệ thống hành lang và các trạm đầu mối, Ban Giao bưu vận miền Nam đã điều hành mạch máu thông tin thông suốt từ TW Cục miền Nam xuống các địa phương, khu, tỉnh toàn miền và nối thông với TW Hà Nội.
Khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh can thiệp trực tiếp vào miền Nam, trước tình hình địch đánh phá ác liệt gây tổn thất cho ngành Giao bưu vận, tháng 6/1966, TW Cục chỉ thị nhập Ban Giao bưu vận vào Bộ tư lệnh miền, thành lập Phòng Giao bưu vận trực thuộc Cục tham mưu. Lúc này, A53 trực thuộc Ban Giao bưu TW Cục miền Nam, thực hiện những công việc do Văn phòng TW Cục trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng Giao bưu vận được tăng cường và phát triển mạnh mẽ, các cán bộ, trạm trưởng, chiến sĩ vùng được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến nhằm tăng khả năng chiến đấu, bảo vệ an toàn các tuyến hành lang, các trạm, đường dây, hành khách, tài liệu…
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn ngành Giao bưu vận miền Nam có gần 5.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và 20 đơn vị Giao bưu-Thông tin (tiền thân của 20 bưu điện tỉnh, thành phố khu vực B2) được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điều này đã nói lên được tính chiến đấu anh dũng kiên trung và tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Giao bưu vận miền Nam, góp phần tô thắm thêm truyền thống 10 chữ vàng: Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình mà ngành bưu điện được tặng.
A53 và những chiến công thầm lặng
Năm 1960, thắng lợi Đồng Khởi bắt đầu từ Tua Hai (Tây Ninh) và lan rộng khắp miền Nam Việt Nam. Trước yêu cầu lớn của cuộc cách mạng miền Nam, đòi hỏi sự chi viện của hậu phương miền Bắc, Xứ ủy Nam kỳ lại đặt vấn đề hậu phương lớn, trực tiếp tập trung vào Campuchia và bà con Việt kiều ở Campuchia. Lúc này, ngành giao bưu hình thành với lý hiệu 15 (A53) trực thuộc Ban Giao bưu R. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các đồng chí cán bộ A53 do đồng chí Dương Quang Đông (Dung Văn Phúc) phụ trách đều được bố trí trên đất bạn, mỗi người đều phải tạo vỏ bọc cho mình làm bình phong che mắt chính quyền sở tại. Họ là người dân sinh sống trên đất Campuchia có giấy tờ hợp lệ, làm ăn sinh sống hợp lệ nhưng hoạt động bí mật, làm nhiệm vụ cách mạng miền Nam, như đồng chí Tư Hoàng (Nguyễn Văn Hoàng), Bảy Cường (Vũ Ngọc Cường) đóng vai ông chủ một cửa hàng, đồng chí Kỳ Xương (Lý Kỳ Xương) đóng vai chủ tiệm may, Tám Cánh (Dương Văn Cánh) thợ may, Tài Chất (Nguyễn Tài Chất) thợ mộc, đồng chí Ba Đông (Trịnh Văn Đông) phụ hồ cho cơ sở Quách Văn Khiêm và tài xế cho các ông Tư Hoàng, Bảy Cường….
Trong vỏ bọc hợp pháp, A53 đã đáp ứng các nhiệm vụ trọng tâm của TW Cục và Ban Giao bưu R. Đường liên lạc được khai thác, mở thông suốt để vận chuyển tài liệu mật có tính chất chỉ đạo trực tiếp và khẩn cấp. Cùng với việc chuyển giao tài liệu chỉ đạo, đường dây giao liên đặc biệt A53 còn có nhiệm vụ tổ chức đưa, đón cán bộ lãnh đạo TW Cục và các cấp ủy địa phương bằng mọi phương tiện tùy tình hình, địa lý hành chính, có lúc sử dụng ô tô, mô tô, cũng có lúc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe đò, xe lam… Nhiều đồng chí lãnh đạo như: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phan Văn Đáng…từng đi theo đường A53. Nhiều khách quốc tế vào thăm vùng giải phóng miền Nam cũng đi bằng đường A53, như nhà báo Úc Bớt-sết, nữ phóng viên Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô, nhà báo Ba Lan Monica, nhà báo Cuba Ra-un-Mạc-ta… Đường dây này bảo đảm cho TW Cục miền Nam trong việc cử cán bộ đến các chiến trường, về Hà Nội hoặc đến các nước bằng lối đi công khai.
Cùng với nhiệm vụ giao liên, A53 còn được giao nhiệm vụ đưa thanh niên tiến bộ, cả học sinh đang học trường Hoa ngữ về nước để cung cấp lực lượng cho cách mạng miền Nam.
Ngoài ra, A53 còn được giao nhiệm vụ đặc biệt là vận chuyển tài chính, tiền tệ là đồng Việt Nam, đô-la các nước bằng nhiều hình thức và phương tiện từ ít đến nhiều và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đến nơi nhận. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ A53 phải cất giấu, có lúc ngụy trang thùng đường, lốp xe ô tô, mô tô hoặc trong phong bánh in, đồ hộp để qua mắt sự kiểm soát của kẻ thù.
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ A53 nói chung đều hoạt động độc lập theo sự chỉ đạo thống nhất của cấp trên. Mỗi người của A53 đều có một nghề nhất định để làm bình phong. Đặc biệt, có những trường hợp cả nhà gồm: vợ, chồng, con cái đều hoạt động nhưng không phải người trong gia đình phân công, lãnh đạo mà mỗi thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ khác nhau và nhận nhiệm vụ từ cấp trên trực tiếp.
Việc sử dụng lực lượng A53 cũng là đặc biệt. Lực lượng A53 gồm mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội có cảm tình với cách mạng, tự nguyện đi phục vụ cho đơn vị. Chẳng hạn như khi thực hiện nhiệm vụ đi các vùng khó khăn thì bố trí các cụ ông, cụ bà 50 - 60 tuổi như bà Tư Đoái, bà Sáu Phát, cô Ba Vinh… hoặc các em nhỏ tuổi còn đi học vì lực lượng này ít bị sự chú ý của kẻ thù.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kéo dài trong 21 năm (1954 - 1975) và đã kết thúc bằng chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Trong thắng lợi chung của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ A53 đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đóng góp cho cách mạng. Mặc dù nhiệm vụ giao cho đơn vị là hết sức nặng nề, khó khăn nhưng với lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, tập thể A53 đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, tuy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua gần 40 năm, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ A53 vẫn luôn nhớ về những ngày tháng chiến đấu, hy sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ thầm lặng mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung ương cho cán bộ tập kết năm 1954 về tiếp quản miền Nam, lúc này, A53 nhận nhiệm vụ mới là tiếp tục đón cán bộ từ Huế, Nha Trang, Phan Thiết đưa về tăng cường cho các tỉnh miền Nam. Đồng thời đưa các đồng chí cán bộ lão thành ở miền Nam ra tham quan miền Bắc bằng ô-tô. Đến năm 1976, tình hình đất nước chuyển sang giai đoạn mới, A53 đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình và giải thể, cán bộ chiến sĩ A53 được chuyển công tác về nhiều địa phương, đơn vị.
Mặc dù đã giải thể, nhưng với truyền thống của đơn vị là đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ, quan tâm nhau trong mọi hoàn cảnh. Ban Liên lạc A53 được thành lập làm cầu nối liên hệ, tập hợp, thông tin, trao đổi, thăm hỏi, động viên anh chị em A53 trên mọi miền đất nước. Đặc biệt là việc tổ chức họp mặt truyền thông của đơn vị hàng năm để tạo điều kiện cho anh em trong đơn vị ôn lại những kỷ niệm trong quá trình công tác chung ở đơn vị, đồng thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại. A53 có gần 10 liệt sĩ, có đồng chí đến nay đã ra đi, số còn lại hầu hết tuổi già, sức yếu, bệnh tật. Mặc dù vậy, lực lượng kế thừa Ban Liên lạc A53 tiếp tục làm đầu mối liên lạc của cán bộ chiến sĩ A53 trong cả nước, hàng năm tổ chức họp mặt truyền thống đơn vị, thăm hỏi, động viên nhau, đồng thời sưu tầm, tập hợp truyền thống của đơn vị để góp phần giáo dục con em về truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung, A53 nói riêng để con em phát huy tốt truyền thống dân tộc trong học tập, công tác.
Tâm Giang