Các tôn giáo gắn với cộng đồng dân cư ở Tây Ninh

Thứ năm - 08/09/2016 16:00 874 0
Cùng với sự hiện diện của các cộng đồng dân cư trên vùng đất Tây Ninh, những tôn giáo gắn liền với các cộng đồng dân cư đó cũng hình thành, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài...

* Đạo Phật

Đạo Phật ở Tây Ninh có hai dòng chính: dòng Tiểu thừa - Nam tông và dòng Đại thừa - Bắc tông.

Năm 1763, chùa Linh Sơn tam bảo trên núi Bà Đen được tạo dựng bởi Sư tổ Đạo Trung Thiện Hiếu, tục gọi là Tổ Bưng Đỉa, dòng Lâm Tế Liễu Quán thường được gọi là Tế Thượng, có lẽ là ngôi chùa Phật giáo xưa nhất trên đất Tây Ninh. Việc khai sáng ngôi tam bảo này của Sư tổ Đạo Trung Thiện Hiếu đã đặt nền tảng cho sự phát triển của đạo Phật ở Tây Ninh.

dienbaxua.jpg

Điện Bà năm 1920.

Đến đầu thế kỷ XIX, nhiều đợt di dân quy mô lớn của người Việt từ các nơi đến Tây Ninh và hình thành nên một số thôn, làng mới. Song song với hình thành các thôn, làng người Việt, một số ngôi chùa cũng được xây dựng, tập trung chủ yếu ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Tp.Tây Ninh ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, đồng thời khẳng định công cuộc định cư của người Việt trên đất này. Tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 199.530 tín đồ, chiếm 18,1% dân số của tỉnh.

dienbanay.jpg

Linh sơn Tiên Thạch Tự - Chùa Bà ngày nay.

Đạo Thiên Chúa đến với vùng đất Tây Ninh sớm nhất vào năm 1837, tại Tha La (nay thuộc ấp An Hội, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng), do linh mục Côximô Nguyễn Hữu Trí đứng đầu. Từ năm 1861, họ đạo Tha La phát triển mạnh, mở rộng phát triển ảnh hưởng của đạo ra các điểm lân cận, hình thành thêm một số họ đạo ở Thị xã Tây Ninh (nay là Tp.Tây Ninh), Gò Dầu và những nơi khác.

hodaothala.jpg

Họ đạo Tha La ngày nay - ấp An Hội, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng Họ đạo Thiên Chúa đầu tiên ở Tây Ninh.

Vào những năm 1954 -1955, có thêm 4 vạn đồng bào Thiên Chúa từ miền Bắc đến Tây Ninh, cư trú tập trung ở Bời Lời (Trảng Bàng), Truông Mít (Dương Minh Châu), Bàu Cỏ (Tân Châu), nhưng đông nhất là ở huyện Châu Thành. Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 37.942 giáo dân, chiếm 3,4% dân số của tỉnh.

Gắn liền với sự hiện diện của giáo dân Thiên Chúa trên đất Tây Ninh, các nhà thờ, tu viện và cơ sở tôn giáo nói chung của đạo Thiên Chúa cũng hình thành.

* Đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài ra đời ở Tây Ninh năm 1926, tại ngôi chùa Từ Lâm nằm trên Gò Kén, cách Thành phố Tây Ninh chừng 5km. Đạo Cao Đài với tên gọi đầy đủ là "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", với hy vọng kết hợp và hoà đồng các tôn giáo trước đó, theo tư tưởng tam giáo đồng nguyên, ngũ chi hiệp nhất. Tháng 3/1927, Toà Thánh Cao Đài dời từ Gò Kén về xây dựng quy mô tại khuôn viên Toà Thánh Cao Đài hiện nay ở huyện Hoà Thành. Đến tháng 5/1937, Toà Thánh được cơ bản hoàn tất.

toathanhxua.jpg

Toà Thánh dựng tạm vào tháng 3/1927 trong khuôn viên Toà Thánh hiện nay.

Đạo Cao Đài là tôn giáo ra đời tại địa phương, giáo lý gần gũi với tập quán người dân, thu nạp tín đồ thuộc nhiều thành phần có lòng hướng đạo, do đó số lượng tín đồ phát triển nhanh chóng. Hiện tín đồ đạo Cao Đài đông nhất ở Tây Ninh, đến tháng 6/2016 toàn tỉnh có 513.602 tín đồ, chiếm 46,7% dân số của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 50 Thánh thất, 43 Điện thờ Phật mẫu.
Hàng năm, đạo Cao Đài tổ chức 02 kỳ lễ lớn, là Lễ vía Đức Chí Tôn vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch và Lễ hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm tháng tám.
toathanhnay.jpg
Toà Thánh Cao Đài ngày nay.

* Đạo Hồi

Đạo Hồi hình thành ở Tây Ninh (Hồi giáo Islam) gắn liền với quá trình định cư của cộng đồng người Chăm từ giữa thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX.

Năm 1755, căm phẫn sự ngược đãi của Vua Chân Lạp, hơn 5.000 đồng bào người Chăm đã quy thuận triều Nguyễn, theo chân Ký lục Nguyễn Cư Trinh đến vùng đất Tây Ninh, sống tập trung ở khu vực chân núi Bà Đen. Cho đến những năm trước thế kỷ XIX, có thêm những lớp di dân người Chăm đến định cư ở Tây Ninh và họ cũng theo Hồi giáo Islam.

Đạo Hồi ở Tây Ninh hiện nay có 3.855 tín đồ, chiếm 0,4% dân số toàn tỉnh (6/2016) tập trung chủ yếu ở khu phố 2, phường 1, Tp.Tây Ninh; xã Tân Hưng và xã Suối Dây thuộc huyện Tân Châu; xã Thạnh Bình thuộc huyện Tân Biên. Ở Tây Ninh hiện nay có 02 Thánh đường và 03 Tiểu thánh đường xây dựng tại các khu cư trú tập trung của cộng đồng người Chăm.

congdongchamnay.jpg

Thánh đường Hồi giáo ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Ngoài các tôn giáo lớn nói trên, ở Tây Ninh còn có một số tôn giáo khác, như Tin Lành, Phật giáo Hoà Hảo, Đạo bà Hai, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam...





Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây