Ngày 23/1/1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá III) ban hành quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam trên cơ sở Xứ uỷ Nam bộ và Liên khu 5 để thay mặt Trung ương chỉ đạo các tỉnh thành từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào. Trung ương Cục chính thức ra mắt tại căn cứ Mã Đà- Đất Cuốc (thuộc chiến khu Đ, tỉnh Đồng Nai) vào tháng 10/1961 do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Một thời gian ngắn, sau khi thành lập, từ Mã Đà- Đất Cuốc, Trung ương Cục đã chuyển căn cứ về khu rừng già Bắc Tây Ninh và đứng chân tại đây cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
![]() |
Một cảnh căn cứ Trung ương Cục miền Nam (nguồn internet) |
Việc chọn khu rừng Rùm Đuôn- Chàng Riệc để xây dựng căn cứ kháng chiến là quyết định cực kỳ sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Đây là khu rừng nguyên sinh giáp biên giới Campuchia thuận tiện cho việc tiếp nhận sự chi viện qua đất bạn bằng cả hai đường hợp pháp và bí mật, hoặc lúc khó khăn có thể chuyển cứ sang bên kia biên giới. Bắc Tây Ninh tiếp giáp với tỉnh Bình Phước và Nam Tây nguyên, nối thông ra miền Bắc qua đường Trường Sơn, thuận tiện trong việc tiếp nhận sự chỉ đạo của Trung ương và sự chi viện của hậu phương lớn- miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Từ đây, việc chỉ đạo kháng chiến ở các tỉnh cực Nam Trung bộ và Tây Nam bộ được thuận lợi hơn. Trung tâm căn cứ địa Bắc Tây Ninh chỉ cách sào huyệt của Mỹ nguỵ khoảng 100 km đường chim bay, nên việc chỉ đạo của Trung ương Cục với mặt trận Sài Gòn- Gia Định thuận lợi và nhanh chóng.
Lúc đầu Bộ Chính trị giao cho Trung ương Cục phụ trách toàn miền Nam, nhưng do chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt, Mỹ chuyển từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, vì thế Liên khu 5 và Trị Thiên do Trung ương trực tiếp lãnh đạo, còn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, thành phố Sài Gòn – Gia Định và toàn bộ các tỉnh Nam bộ do Trung ương Cục chỉ đạo. Trung ương Cục miền Nam qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng cùng tập thể Thường vụ Trung ương Cục đã lãnh đạo các mạng miền Nam vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày 22/3/1965, Trung ương Cục chỉ đạo Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố lập trường 5 điểm, trong đó công khai tiếp nhận sự chi viện của hậu phương miền Bắc, sự ủng hộ to lớn của nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới đã cùng với nhân dân miền Nam đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chúng ta đã đập tan chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968). Tiếp sau đó với sự phối hợp của bộ đội chủ lực với lực lượng địa phương và dân quân du kích, quân dân miền Nam đã lập nên những chién công vang dội khắp miền Nam, đập tan chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1968- 1973).
Trung ương Cục miền Nam, trước là Xứ uỷ Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1949) đóng căn cứ ở Đồng Tháp Mười, 1950-1955 đóng ở rừng U Minh- Cà Mau. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ có thời gian đóng ở chiến khu Đ (miền Đông Nam bộ) gọi là Khu A, cũng có lúc nằm giữa Sài Gòn hoặc giữa Thành phố Pnôm Pênh của nước bạn Campuchia. Nhưng lâu nhất và chứng kiến những giai đoạn hào hùng nhất trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước của cách mạng miền Nam là khu vực Bắc Tây Ninh (nay thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nơi các thế hệ vẫn “về nguồn” để thăm lại căn cứ Trung ương Cục ngày xưa.
Tại vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền nam từ ngày 6 đến 8/6/1969 đã thành lập Chính phủ các mạng lâm thời cộng hoà miền nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ do các đồng chí: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Kiến trúc sư Huỳnh tấn Phát, những nhà trí thức lớn của dân tộc lãnh đạo. Bài hát Giải phóng miền Nam được chọn làm bài ca chính thức của Chính phủ lâm thời, lá cờ nửa đỏ nửa xanh, sao vàng 5 cánh ở giữa đã tung bay trên khắp các trận địa, trên các xóm làng miền Nam, tạo nên khí thế hừng hực của cuộc chiến tranh cách mạng.
Căn cứ Trung ương Cục còn chứng kiến những sự kiện đối ngoại lịch sử: Tiếp nhận sứ quán của Chính phủ Cuba, trao trả cho phía Mỹ 3 tù binh Mỹ, tiếp các nhà báo quốc tế như nhà báo Úc W.Burchett, nữ nhà báo Pháp Madelaine Riffaud, nữ nhà báo Ba Lan Monica…Chính các nhà báo này và các hoạt động ngoại giao của Trung ương Cục cùng với mặt trận ngoại giao của ta đã giúp cho thế giới hiểu, tin tưởng và ủng hộ lập trường, quan điểm của chúng ta.
Trung ương Cục đã kịp thời đề ra các chỉ thị, nghị quyết và các quyết sách, chiến lược trên ba mặt trận chính trị, vũ trang, ngoại giao và phối hợp ba trận tuyến này một cách nhịp nhàng. Sau Tồng tiến công Tết Mậu Thân, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và phải nhận đàm phán với ta tại hội nghị bốn bên ở Paris. Mỹ và chính quyền nguỵ Sài Gòn phải thừa nhận và ngồi vào đàm phán với đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn.
Đầu năm 1975, chỉ thị chuẩn bị giải phóng miền Nam của Trung ương Cục được phát đi từ Căn cứ Bắc Tây Ninh. Ngày 29/3/1975 Nghị quyết 15 của Trung ương Cục về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng xuất phát từ đây. Các nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng Nghị quyết 15 của Trung ương Cục là mệnh lệnh để toàn miền đồng loạt tấn công kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục đã qua hai đợt trùng tu, tôn tạo: Đợt 1, khởi công vào ngày 24/12/1992 và lễ khánh thành ngày 28/4/1994. Sau bảy năm hoạt động, các hạng mục của công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải nâng cấp di tích lên để vừa phù hợp với lịch sử, vừa sử dụng được lâu dài, tháng 10/2002 lễ khởi công phục chế tôn tạo di tích đợt II được tiến hành và đến ngày 29/01/2005 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay đã có hàng triệu lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các học sinh, sinh viên tổ chức “về nguồn” và đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích này.
Nhật Quang
Ý kiến bạn đọc