Cần ứng xử văn hóa giao thông khi đưa đón con tại các cổng trường học

Thứ năm - 04/12/2014 00:00 79 0
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014, cả nước có gần 22 triệu học sinh, sinh viên, trong đó có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học mầm non; 15 triệu học sinh phổ thông các cấp.

 

 

Giảm thiểu được tình trạng lộn xộn, ùn tắc tại các cổng trường vào giờ đưa đón sẽ đem lại môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho các em và mọi người xung quanh.

Tây Ninh hiện có 9 phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc 9 huyện, thành phố, với tổng số hơn 200.000 học sinh/531 trường mầm non, Tiểu học, THCS và THPT. Riêng thành phố Tây Ninh có 52 trường thuộc các bậc học đóng trên địa bàn. So với các huyện khác, số lượng học sinh cần được người lớn đưa đón tại các trường học đóng trên địa bàn thành phố chiếm một số lượng không nhỏ, đặc biệt tại các trường học thường nằm trên các tuyến đường giao thông đông đúc, lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Chính vì điều này đã khiến một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh lựa chọn phương án đưa đón con đi học thay vì để con trẻ tự đến trường. Việc làm này thể hiện trách nhiệm của những người lớn trong gia đình đối với con em mình, nhằm chăm sóc và bảo đảm an toàn cho các em.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của việc đông đảo phụ huynh chủ động đưa đón con em cũng là lý do khiến các cổng trường học trở nên quá tải, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, thậm chí gây nên tình trạng giao thông lộn xộn và ùn tắc nghiêm trọng.

Tại các cổng trường trên địa bàn thành phố Tây Ninh, như Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Chu Văn An, THCS Trần Hưng Đạo… vào giờ học sinh đến trường hoặc tan học, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nườm nượp ô tô, xe máy dừng đỗ ngổn ngang, tràn ra hết vỉa hè và lòng đường. Các phụ huynh đua nhau, chen chúc ra vào để đưa đón con, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khác và an toàn giao thông trong toàn khu vực. Thực tế này vẫn diễn ra hàng ngày tại các trường học, đặc biệt là các trường có vị trí nằm trên các trục đường chính có mật độ giao thông cao. Nhiều bậc phụ huynh lý giải, mặc dù chịu cảnh chen lấn, ùn tắc mất nhiều thời gian nhưng họ vẫn phải chấp nhận, bởi vì nếu đứng quá xa cổng trường con em mình có thể bị lạc hoặc không an toàn khi đi đường, sang đường. Trong khi đó, vị trí cho các phụ huynh dừng đỗ trong sân trường lại quá chật chội, có trường lại không cho xe vào trong khu vực sân, vì vậy họ đành chấp nhận vi phạm luật giao thông vì không có lựa chọn.

Trước hiện trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, Sở Giáo dục & Đào tạo nói riêng và các đơn vị khác nói chung cần cương quyết hơn nữa việc thực hiện kế hoạch đẩy mạnh công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông trong toàn ngành, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện này tại các nhà trường, đặt mục tiêu cơ sở trường học không để xảy ra tình trạng ùn tắc trước cổng trường. Về phía nhà trường, ban giám hiệu cần nghiên cứu thêm các phương án như mở thêm cổng phụ, bố trí bãi đậu xe ở khu vực lân cận để điều tiết, phân luồng và hướng dẫn phụ huynh dừng đỗ phương tiện theo khối lớp, nhằm giảm thiểu lộn xộn, ùn tắc. 

Đối với các em học sinh, cha mẹ là hình mẫu có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Trong cuộc sống, các em thường chú ý tới các thói quen hàng ngày của cha mẹ và học hỏi những giá trị và hành vi ứng xử này khi lớn lên. Việc trở thành những người cha, người mẹ gương mẫu cho các con là điều mà bất cứ ai cũng muốn đạt được. Điều này thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong cách ứng xử và ý thức tham gia giao thông chưa thật tốt của một bộ phận các bậc làm cha mẹ... Nói cách khác, các em luôn coi cha mẹ là tấm gương để noi theo, dù tốt hay xấu. Đây là lý do quan trọng vì sao các bậc phụ huynh cần đề cao văn hóa giao thông, chấp hành Luật giao thông một cách có ý thức, bắt đầu từ những hành vi rất nhỏ như: dừng đỗ phương tiện đúng nơi quy định, chấp hành theo hướng dẫn, phân luồng của biển báo và lực lượng chức năng, lái xe đúng chiều đường, nêu cao ý thức nhường nhịn, cùng tham gia giao thông một cách an toàn và có văn hóa. Có như vậy, chúng ta mới dần giảm thiểu được tình trạng lộn xộn, ùn tắc tại các cổng trường vào giờ đưa đón con em mình, đem lại môi trường học tập và môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho các em và mọi người xung quanh.

Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho con trẻ không nên chỉ trông chờ vào nhà trường bởi các thầy cô giáo còn mang nặng trách nhiệm giảng dạy văn hóa, kiến thức cho học sinh. Thay vào đó, mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cần phải tự nâng cao ý thức và văn hóa tham gia giao thông để các em noi theo.

Tấn Dũng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây