Cần xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói” trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thứ ba - 09/12/2014 00:00 45 0
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về một cách bền vững thì cần phải xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có dành cho các nạn nhân, bao gồm: hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý….

 

 

Trong Luật PCMBN đã quy định các chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng được hưởng hỗ trợ và các cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân. Quy định này là sự cụ thể hóa cơ chế bảo đảm thực hiện một trong những quyền quan trọng của nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ, bao gồm: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác, hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Các chế độ hỗ trợ này được quy định trên cơ sở khái quát, nâng cấp có sửa đổi, bổ sung mới các quy định hiện hành có liên quan tại Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Điều 32 của Luật Phòng, chống mua bán người đã xác định rõ những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân và các chế độ mà từng đối tượng được hưởng trên tinh thần có sự phân biệt giữa các đối tượng, đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân. Ngoài ra, Luật PCMBN xác định rõ 05 nhóm cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện các chế độ hỗ trợ nạn nhân, là: Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; Phòng LĐTBXH thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú; Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân, đồng thời xác định rõ địa vị pháp lý cũng như nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong việc tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người cũng đã được xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của một số Bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hoà nhập cộng đồng. Về phía Bộ ngành cũng đã được quy định rõ chức năng quản lý, đặc biệt là các Bộ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ  Thông tin và Truyền thông. Đối với trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tổ chức công tác phòng, chống mua bán người ở địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết và tiếp tục hỗ trợ cho nạn nhân ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế và thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn bao gồm cả giải cứu và hồi hương nạn nhân cũng như tương trợ tư pháp trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người luôn được đề cập đến trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Chính vì vậy, để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người một cách bền vững thì cần phải xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, đồng thời cụ thể hóa các nguyên tắc phòng, chống mua bán người cho phù hợp với thực tế hiện nay.

 

                                                                                            Liên Phương

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây