Cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, xã biên giới được tăng cường cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Thứ năm - 02/07/2015 16:00 52 0
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa thuộc các xã khu vực khó khăn, tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Trong những năm qua, với nguồn vốn từ Chương trình, cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, xã biên giới tỉnh Tây Ninh được tăng cường cải tạo, nâng cấp, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo của các hộ gia đình khó khăn.

Năm 2014 và 2015, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 trên 50 tỷ đồng, Tây Ninh tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn đã được phân bổ cho 20 xã thực hiện các nội dung hỗ trợ chủ yếu tập huấn nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng và triển khai các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, trên địa bàn các huyện đã duyệt kế hoạch thực hiện hỗ trợ cho 501 hộ, gồm 520 con gà, 613 con lợn và 32 con bò với tổng kinh phí là 2.499.000.000 đồng; Thực hiện 35 công trình do các xã làm chủ đầu tư, trong đó năm 2015 đã khởi công mới 25 công trình gồm 24 công trình giao thông và 01 công trình điện; đồng thời chuyển tiếp 10 công trình giao thông cho năm nay thực hiện.

Tính đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã biên giới được tăng cường cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các xã còn được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Trái phiếu Chính phủ, Chương trình 160 và Ngân sách địa phương. Bên cạnh việc xây dựng phương án lồng ghép từ việc cân đối ngân sách, tỉnh Tây Ninh còn huy động các nguồn lực khác từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình khác.

Để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các huyện, xã cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình 135 nhằm giúp cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia thực hiện. Các ngành chức năng cần phối hợp với chặt chẽ với các hội, đoàn thể lựa chọn mô hình thật sự phù hợp, thật sự hiệu quả để hướng dẫn, nhân rộng thực hiện cho các địa phương, xây dựng kế hoạch tập huấn chuyển giao kỹ thuật và nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế hộ gia đình. Lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135 với các Chương trình khác nhằm phát huy hiệu quả cao hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây