Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số

Thứ năm - 02/07/2015 16:00 56 0
Ngày 27/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Theo đó, đối tượng được hưởng có: Phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Sinh một hoặc hai con;

2. Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

3. Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

4. Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

5. Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

6. Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

7. Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);

8. Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

9. Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Định mức hỗ trợ: Hai triệu đồng/người, thời điểm tính từ tháng đầu sau khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Phương thức hỗ trợ bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Điều kiện là đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.

Kinh phí hỗ trợ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2015.

Theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, tỉnh Tây Ninh có 20 xã trực thuộc 5 huyện thuộc vùng khó khăn gồm: Huyện Tân Châu (04 xã: Tân Đông, Tân Hòa, Suối Ngô, Tân Hà), huyện Tân Biên (03 xã: Tân Bình, Hòa Hiệp, Tân Lập), huyện Châu Thành (06 xã: Biên Giới, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Ninh Điền, Thành Long, Phước Vinh), huyện Bến Cầu (05 xã: Long Phước, Long Khánh, Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Thuận) và huyện Trảng Bàng (02 xã: Phước Chỉ, Bình Thạnh).

Ninh An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây