Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố trên 10 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Tính năng động, Chi phí không chính thức, Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý, Cạnh tranh bình đẳng.
Năm 2013, chỉ số PCI của Tây Ninh đã vượt 46 bậc, đứng vị trí thứ 11 với tổng hợp bình quân là 61,15 năm trong nhóm Tốt so với cả nước. Trong đó 06 chỉ số thành phần có vị trí thứ hạng tốt, tăng vượt bậc hơn so với năm 2012 gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Thiết chế pháp lý và Cạnh tranh bình đẳng. Và 04 chỉ số còn lại có thứ hạng tương đối so với năm 2012.
Để duy trì 06 chỉ số thành phần có vị trí cao, tăng bậc và cải thiện vị trí của các chỉ số có thứ hạng tương đối trong bảng xếp hạng. Đồng thời tiếp tục nâng cao 10 chỉ số thành phần trong năm 2014 và trong những năm tiếp thep, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 13/6/2013 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đầu tư và tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015.
2. Tiếp tục thực hiện tốt kênh thông tin “Hỏi đáp trực tuyến” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
3. Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú theo các chuyên đề để lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, qua đó xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Các đơn vị có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp tăng cường chỉ đạo và giám sát bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng của bộ phận tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.
5. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới của tỉnh và nhà nước.
6. Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong việc giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố, huyện, xã, phường trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
7. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo CBCC nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khung khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả. Đổi mới phương pháp, nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu vị trí công tác (về kiến thức, kỹ năng và thái độ hành vi ứng xử).
8. Tiến hành khảo sát về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở, ngành, huyện và thành phố trong việc phục vụ nhân dân.
9. Thực hiện công khai minh bạch, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, hải quan. Công bố, công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như: trang thông tin điện tử của tỉnh, website, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan…về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.
10. Website của các sở, ngành cần đảm bảo hiệu quả về nội dung thông tin; phải có bộ phận chuyên môn phụ trách công tác cập nhật nội dung thông tin. Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời.
Để thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, các sở, ban, ngành cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể (Xem chi tiết nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ban, ngành theo công văn số 1521/UBND – KTTC ngày 03/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số PCI của tỉnh tại đây).
Việc thực hiện các giải pháp duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở đánh giá mức hành thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, các cấp nâng cao nhận thức và gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tiến hành phân tích, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả chỉ số PCI, để đưa ra giải pháp khả thi nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
T.T