Thu gom rác sinh hoạt
Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn 2011-2015, công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nên chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường, xử lý ô nhiễm, truyền thông nâng cao nhận thức, thanh kiểm tra, xử lý ô nhiễm, thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, quan trắc giám sát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng tháng, hàng năm đảm bảo cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Giai đoạn 2011-2015, chất lượng nguồn nước mặt lục địa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có chiều hướng tốt hơn qua từng năm. Tuy nhiện tại một số khu vực các chỉ tiêu về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh vượt quy chuẩn cho phép. Môi trường không khí tỉnh Tây Ninh cũng chịu nhiều áp lực từ các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân, các hoạt động xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, các hoạt động sản xuất công nghiệp đặc trưng, nông nghiệp và môi trường. Chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phát sinh từ nhiều nguồn như sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, du lịch, thủy sản,... Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2011 khoảng 301,5 tấn/ngày tăng lên 326 tấn/ngày năm 2015 và dự báo khoảng 740,4 tấn/ngày vào năm 2020; Khối lượng chất thải rắn thông thường từ các Khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp năm 2015 khoảng 161,64 tấn/ngày (chất thải rắn sản xuất thông thường khoảng 158,47 tấn/ngày và chất thải rắn sinh hoạt khoảng 3,17 tấn/ngày), dự báo khoảng 265,26 tấn/ngày vào năm 2020; khối lượng chất thải rắn thông thường các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp khoảng 626,94 tấn/ngày (chất thải rắn sản xuất khoảng 609,22 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 17,72 tấn/ngày), dự báo khoảng 758,6 tấn/ngày vào năm 2020; Khối lượng chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 343 tấn/năm, dự báo khoảng 415 tấn/năm vào năm 2020; Khối lượng chất thải từ các cơ sở y tế khoảng 5,104 tấn/ngày (chất thải rắn sinh hoạt khoảng 4,640 tấn/ngày và chất thải y tế khoảng 0,464 tấn/ngày), dự báo khoảng 9,05 tấn/ngày vào năm 2020.
Công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Tây Ninh đảm nhiệm, tỷ lệ phủ dịch vụ khoảng 55%, chất thải rắn được xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Tân Hưng quy mô 20 ha. Các khu vực còn lại cũng có nhiều đơn vị thuộc huyện/thành phố tham gia thu gom, nhưng tỷ lệ thu gom và chất lượng xử lý còn thấp.
Nhìn chung, các điểm ô nhiễm cục bộ về môi trường trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung tại các khu vực các đô thị tập trung, các khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ cong nghiệp. Tác động của ô nhiễm môi trường thể hiện ở việc gia tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập nội địa (GDP) ảnh hưởng đến nền kinh tế và mức sống của người dân. Ô nhiễm các thành phần môi trường gây nhiều bệnh cấp tính, mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như các bệnh về hô hấp, da, mắt máu, thần kinh,...đặc biệt là đối tượng nhạy cảm là người gia, trẻ em, phụ nữ mang thai. Ô nhiễm môi trường còn làm giảm suy thoái và có thể biến đổi hệ sinh thái làm suy thoái đa dạng sinh học, đặc biệt tại các khu vực ô nhiễm cao như bãi rác, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng ngh tiểu thủ công nghiệp...
Thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH và BVMT; tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chóng, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong đó khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án cải thiện môi trường, tái sử dụng phế phẩm, chất thải làm nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, đồng thời kiên quyết không cho phép các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường đi vào vận hành chính thức. Từng bước xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn, trong đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến phù hợp...
MN