Lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Trưng cầu ý dân và Luật Khí tượng thủy văn

Thứ hai - 14/09/2015 15:00 66 0
Mới đây, tại văn phòng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Trịnh Ngọc Phương - quyền Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý chỉnh lý cho dự thảo Luật Trưng cầu ý dân và Luật Khí tượng thủy văn.

Dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND-UB.MTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan.  

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia một số ý kiến đóng góp về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhưng các đại biểu cũng đề nghị Luật này chỉ nên quy định về quy trình, thủ tục trưng cầu ý dân, còn nội dung trưng cầu là do Quốc hội quyết định, các vấn đề liên quan đến trình tự hay thủ tục nên để quy định tại văn bản khác.

lay y kien.jpg

Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa trưng cầu dân ý và lấy ý kiến nhân dân. Khi có Luật Trưng cầu ý dân thì có còn hình thức lấy ý kiến nhân dân không; có nên tổ chức cho tất cả những người dân trên 18 tuổi bỏ phiếu trưng cầu ý dân, hay chỉ nên trưng cầu ý dân theo đại diện hộ gia đình để tránh tình trạng không thống nhất nội dung cần trưng cầu; nên áp dụng bỏ phiếu trực tiếp chứ không nên cho áp dụng hình thức bỏ phiếu thông qua điện tử.

Về thời gian, không nên cứng nhắc bắt buộc tất cả các đơn vị tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân đến 15 giờ cùng ngày mới được bắt đầu kiểm phiếu và tổng kết, thay vào đó, đơn vị nào xong sớm thì nên cho tổng kết và báo cáo sớm, đặc biệt là tại các đơn vị như công an và quân đội.

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đ nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, có sự tham gia của MTTQ.

Đại biểu cũng cho rằng, Luật cần chỉnh lý quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả trước Quốc hội và bổ sung quy định Quốc hội xác nhận kết quả trưng cầu ý dân, đồng thời trong quá trình kiểm tra kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý kiến dân, cần nên bổ sung thêm vào Luật để cơ quan báo chí được cùng tham gia chứng kiến kết quả để có sự khách quan, trung thực.

Đối với Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV), đại biểu đề nghị cần rà soát để tránh chồng chéo phạm vi điều chỉnh giữa Luật này với Luật phòng, chống thiên tai; nghiên cứu bổ sung vấn đề tác động vào thời tiết, quản lý nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Trong quản lý, khai thác mạng lưới trạm KTTV (Điều 8, Điều 12), đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch mạng lưới trạm KTTV và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, quy hoạch mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng. Đồng thời, cần có quy hoạch tổng thể để không xảy ra chồng chéo giữa trạm quan trắc môi trường trạm KTTV.

Có ý kiến cho rằng, việc quy hoạch trạm KTTV phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch các trạm KTTV phù hợp với từng vùng, đồng thời phải tăng mật độ các trạm và đề nghị bổ sung vào Điều 11 các tiêu chí quy hoạch trạm KTTV cụ thể để dễ thực hiện, như về cơ sở vật chất, thiết bị, con người, mật độ, quy mô.

Đề nghị bổ sung quy hoạch đất đai vào khoản 1, Điều 12; việc lập, phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm KTTV (Điều 12) là khó khả thi ở các tỉnh, thành phố, địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị, nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ quan trắc khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng thông tin về khí hậu khu vực một cách nhanh nhất.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Trịnh Ngọc Phương ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, giao văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh tập hợp, thống kê ý kiến của các đại biểu. Các thành viên trong đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến góp ý dự thảo Luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây