Những năm trước đây, cây lúa và cây mì được anh Minh lựa chọn để gieo trồng nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy trôm là loại cây dễ trồng, anh Minh nhanh chóng liên hệ với Hội Nông dân xã Biên Giới để tìm hiểu và xuống tận Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh để mua cây giống về trồng.
Ông Minh (phải) hướng dẫn khách tham quan vườn cách lấy mủ từ cây trôm. |
Đến tháng 8.2012, trên 7.000 m2 đất, ông Minh trồng 600 cây trôm. Chỉ sau 2 năm chăm sóc, cây trôm cho thu hoạch và mang về hiệu quả khá cao.
Tháng 8.2014, lần đầu tiên mở miệng lấy mủ trôm, ông Minh chỉ chọn thu hoạch mũ 100 cây lớn, 500 cây còn lại tiếp tục được anh chăm sóc.
Mỗi cây trôm lấy được khoảng 100g mủ/ngày, với giá thành ổn định ở mức 100.000 đ/kg mủ tươi, 300.000 đ/kg mủ khô, chỉ sau 4 tháng thu hoạch, ông Minh thu về được khoảng 60 triệu đồng/100 cây.
Những tháng đầu năm 2015, ông Minh tiếp tục mở miệng khai thác mũ thêm 200 cây. Ông Minh cho biết, loại cây này rất giống cây cao su, nhưng giá thành mủ lại cao hơn, thu hoạch rất dễ dàng, cây con ít bị chết và chế độ chăm sóc cũng không quá tốn kém, hiệu quả kinh tế khá cao.
Cây trôm có thể thu hoạch được 10 tháng/năm, lấy mủ vào buổi chiều, khi đang lấy mủ nếu gặp trời mưa thì cũng ít ảnh hưởng đến chất lượng mủ.
Ông Trần Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Biên Giới cho biết, cây trôm đang được Hội Nông dân xã khuyến khích trồng vì loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất biên giới, đến nay toàn xã đã nhân rộng được 13 ha, dự tính sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Theo BTNO