Chiến lược quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020

Thứ tư - 29/10/2014 00:00 43 0
Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

 

 

Để nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch lành mạnh phục vụ phát triển đất nước. Ngày 27/06/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của chiến lược từ nay đến năm 2020 là: Giảm ít nhất từ 30% đến 40% số người nghiện ma túy so với hiện nay; phấn đấu đạt 70% số xã, phường, thị trấn, khu dân cư và 90% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy. 100% số người nghiện ma túy được phát hiện và quản lý; 90% số người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và học nghề; 100% số người nghiện trong trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được cai nghiện; giảm từ 10% đến 15% tỷ lệ tái nghiện so với hiện nay. Nâng tỷ lệ phát hiện, thu giữ ma túy tại khu vực biên giới lên trên 30% so với tổng số ma túy thu giữ trong toàn quốc; xóa bỏ cơ bản các tổ chức mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp ở Việt Nam.

Chiến lược nêu rõ công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia có liên quan. Đồng thời, đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là đầu tư có sự phát triển bền vững của đất nước; nhà nước bảo đảm việc huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tài trợ quốc tế.

Để thực hiện những mục tiêu trên, quyết định đã nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 7 nhóm giải pháp chủ yếu và 8 chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ về công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy. Trong thời gian tới cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng; kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy với tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy đến từng người dân, từng hộ gia đình.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ về công tác tuyên truyền cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, trong đó quan tâm đến các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch. Tăng cường công tác quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, giải trí, ngăn chặn không để phát sinh tệ nạn ma túy.

Việc ban hành “Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” là cần thiết, qua đó đặt ra những mục tiêu, hoạch định các chương trình và giải pháp phòng, chống ma túy tổng thể, dài hạn nhằm bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao, bền vững, từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

                                                                                                             K.H

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây