Lao động nông thôn gia công sản phẩm mây tre lá tại một cơ sở thuộc xã An Hòa. |
Trong thời gian qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương lớn của tỉnh và huyện, được triển khai hàng năm.
Theo số liệu từ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, trong 5 năm (từ 2010 - 2014), số lao động nông thôn được đào tạo, được cấp chứng chỉ nghề khá cao, với trên 3.000 lao động. Riêng 9 tháng năm 2014, huyện đã mở được 22 lớp với 12 nghề, thu hút 667 học viên.
Tuy nhiên, tình trạng người dân thiếu việc làm sau học nghề còn khá cao. Theo báo cáo thì các xã còn khó khăn trong việc vận động học viên đã đăng ký ra lớp, vận động học nghề đối với những người thuộc hộ nghèo chưa đạt hiệu quả.
Việc đào tạo gắn với giới thiệu việc làm sau học nghề chưa thực hiện được. Điều đó dẫn đến tình trạng con số học nghề tăng lên hàng năm nhưng có được việc làm ổn định sau học nghề ít.
Thực tế cho thấy, nếu xét toàn diện về chất lượng đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn thì chưa thật sự nâng cao tay nghề cho người dân. Ngoài ra thời gian đào tạo theo quy định là 3 tháng, nhưng người lao động học lý thuyết nhiều mà thực hành thì ít. Các trung tâm, trường nghề chỉ biết đào tạo, còn vấn đề giới thiệu việc làm gần như chỉ là hình thức.
Để gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động, các trung tâm đào tạo và ngành chức năng cần phải giới thiệu được việc làm cho lao động sau khi đào tạo họ. Và tất nhiên, về phía người lao động, ngoài học tập để nâng cao kỹ năng tay nghề thì chính họ cần phải có ý chí, sự năng động trong tìm kiếm việc làm, cải thiện kinh tế gia đình.
Theo BTNO