Tăng cường công tác giáo dục về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh

Thứ ba - 28/10/2014 00:00 115 0
Để giải quyết vấn đề an toàn giao thông quốc gia, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng công tác giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều học sinh chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe đã được bố mẹ mua cho xe phân khối lớn để đi học. Không ít học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia đua xe tốc độ gây tai nạn chết người.

 

 

Việc sắm cho con chiếc xe máy đi học không còn là gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình, kể cả ở nông thôn. Điều đáng trách là nhiều phụ huynh đã chiều theo ý thích của con, cho con sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi được pháp luật cho phép. Bắt gặp thường nhật trên đường phố, các đô thị lớn là hình ảnh những học sinh vai khoác túi đựng sách vở, tóc nhuộm vàng hoe, trên người vẫn mặc những bộ đồng phục ngang nhiên điều khiển xe máy đến trường.

Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là giờ tan trường, có nhiều học sinh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp xe máy dàn hàng ngang thậm chí một xe kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng,... xảy ra thường xuyên. Một số em còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, đùa nghịch trên đường. Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi là vấn đề rất đáng lưu tâm, bởi thực tế không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này.

Trước tình trạng này, nhiều trường học ra lệnh cấm học sinh đi xe máy đến trường. Học sinh nào đi xe máy đến trường nếu phát hiện sẽ bị phạt. Tuy nhiên, để đối phó với việc các điểm giữ xe trong trường không cho phép học sinh mang xe máy vào trong khu vực trường gửi, các điểm giữ xe tư nhân sẵn sàng chấp nhận giữ xe cho những học sinh này. Họ sẵn sàng phục vụ các “thượng đế”, giá cao thì học sinh vẫn phải chấp nhận dù biết dây là việc làm trục lợi bất chính.

Chủ trương không cho phép học sinh đi xe máy tới trường vừa góp phần ổn định trật tự xã hội, vừa an toàn cho con em mình nên phần lớn phụ huynh đồng tình. Nhưng bên cạnh đó, một số bộ phận cha mẹ học sinh cho rằng Luật giao thông đường bộ cho phép công dân đủ 18 tuổi được điều khiển xe trên 50 phân khối nên vẫn cho phép con em mình đi xe máy và gửi xe bên ngoài trước khi vào lớp.

Thực tế trên cho thấy những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cho giới trẻ nói chung, đối tượng học sinh, sinh viên nói riêng. Trong nhà trường, hiện chưa có một chương trình giáo dục về ATGT có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả 3 cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông được giới thiệu rải rác. Công tác tuyên truyền hời hợt, chưa có chiều sâu nên hiệu quả và sức tác động tới học sinh bị hạn chế.

Bắt nguồn từ nguyên do trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố triển khai “Tháng An toàn giao thông” và công tác giáo dục pháp luật ATGT trong trường học. Chủ đề trọng tâm được được phát động là “Tháng văn hóa giao thông”. Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương và địa bàn, các trường học tổ chức ra quân và phát động “Tháng ANGT” vào mỗi năm học.

Mục tiêu đề ra là tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của học sinh, sinh, giáo viên và mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông. Phấn đấu giảm các vụ TNGT liên quan tới học sinh, sinh viên. Căn cứ vào từng lứa tuổi và bậc học, Ban Giám hiệu các trường chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT và hướng dẫn xây dựng các tiêu chí “Văn hóa giao thông” trong trường học.

Sự thiếu ý thức của học sinh về ATGT, trước hết có phần lỗi của các bậc phụ huynh, không quan tâm tới việc giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe; việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

Thiết nghĩ, cần có chương trình giáo dục về ATGT ngay từ cấp Tiểu học. Bên cạnh các bài học lý thuyết bắt buộc phải có tiết thực hành dành cho học sinh. Từ đó hình thành ý thức chấp hành tốt luật giao thông cho học sinh ngay từ khi cắp sách tới trường. Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, tổ chức các cuộc thi kết hợp tuyên truyền miệng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông cũng có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu chỉ là thuyết trình vốn tồn tại bấy lâu. Về phía gia đình, phụ huynh cần chấp hành tốt luật giao thông, quản lý con cái, nghiêm cấm không cho con sử dụng xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi.... Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT.

Việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên, giám sát và xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật ATGT là vô cùng cần thiết, hướng tới mục tiêu của ngành đề ra: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc pháp luật ATGT”.

                                                                                                           K.H

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây