Thông tư nêu rõ, Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị định 65/2014/NĐ-CP. Tỷ lệ cá nhân được công nhận Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương quy định, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Danh hiệu “Cờ Thi đua của Chính phủ” được xét tặng cho tập thể đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 6 Nghị định 65/2014/NĐ-CP. Số lượng tập thể đề nghị xét tặng “Cờ Thi đua Chính phủ” không quá 20% tổng số tập thể đạt tiêu chuẩn tặng Cờ Thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương…
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Nghị định 65/2014/NĐ-CP. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số các cá nhân có 2 lần liên tục đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trong đó có 6 năm liên tục đạt Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Thời điểm xét Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là năm liền kề với năm đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương lần thứ hai.
Ngoài ra, đối với cá nhân trong một năm chỉ đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước hoặc Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương chỉ khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc cấp tỉnh quản lý khi tiến hành phát động thi đua theo chuyên đề.
Không khen thưởng cấp Nhà nước (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương) cho các tập thể hoặc cá nhân khi bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn…
Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua, chú trọng công tác chỉ đạo điểm, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay trong phong trào thi đua. Việc phát hiện điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua. Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, tôn vinh các điển hình tiên tiến và bố trí để tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước và Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được trao đổi, giao lưu, phổ biến kinh nghiệm trong bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/10/2014.
Thái Thành