Nghiện ma túy là bệnh mạn tính

Thứ ba - 09/09/2014 00:00 137 0
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nghiện ma túy là tình trạng bệnh mạn tính, tái diễn của não bộ, biểu hiện bằng việc người bệnh buộc phải tìm kiếm và sử dụng ma túy, bất chấp hậu quả về sức khỏe và xã hội liên quan đến việc sử dụng.

 

 

Xuất phát từ bản chất nghiện là bệnh lý mạn tính tái diễn của não bộ, nên việc cắt cơn hay cai nghiện không thể giải quyết được bản chất và tận gốc vấn đề nghiện.

Bệnh nghiện cần được điều trị lâu dài

Các nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng tình trạng nghiện chất dạng thuốc phiện, giống như nghiện rượu, có một số yếu tố di truyền quan trọng dẫn đến khả năng “dễ mắc nghiện” ở một số người. Nói cách khác, một số người được sinh ra với những bộ não có xu hướng “ưa thích” hoặc cần đến các chất dạng thuốc phiện hơn so với những người khác.

Một giả thuyết chưa được chứng minh cho rằng những người nghiện chất dạng thuốc phiện có thể ở tình trạng thiếu hụt tương đối (do bẩm sinh hoặc do dùng chất dạng thuốc phiện kéo dài gây nên) trong hệ thống sản xuất chất dạng thuốc phiện nội sinh trong não bộ, còn gọi là hệ thống morphine nội sinh (morphin do não bộ tự sinh ra). Nếu giả thuyết này là đúng, nó sẽ giúp giải thích tại sao nhiều người nghiện lại cần dùng chất dạng thuốc phiện bổ sung đến suốt đời.

Một phát hiện khoa học khác gây ngạc nhiên là việc cắt cơn cùng với một thời gian kiêng nhịn ma túy kéo dài không giúp não bộ của người nghiện trở lại tình trạng bình thường như trước khi nghiện. Có những sự biến đổi trong các hệ thống cảm thụ của não là hậu quả của việc sử dụng ma túy gây nên những biến đổi vĩnh viễn. Điều đáng tiếc là không phải mọi sự thay đổi trong não đều có thể trở lại bình thường.

Cũng giống như bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh nghiện cần được điều trị lâu dài, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và hỗ trợ tâm lý xã hội. Não bộ có thể phục hồi dần trong quá trình điều trị.

Sự thay đổi quan điểm từ nghiện là một tệ nạn xã hội sang nghiện là một bệnh lý mạn tính, dẫn đến sự thay đổi lớn về quan điểm, thái độ và các biện pháp điều trị bệnh nghiện cũng như các can thiệp đáp ứng với vấn đề này.

Sự thay đổi ở đây là chuyển trọng tâm từ cai nghiện bắt buộc sang hình thức điều trị y tế,  tư vấn tâm lý, tự nguyện tại cộng đồng. Ví dụ, thay vì quan điểm cai hẳn hoặc cách ly sang điều trị lâu dài, nhiều đợt điều trị, tự nguyện; thay vì coi tái sử dụng (tái nghiện ma túy) là hành vi cố tình vi phạm chuẩn mực đạo đức sang quan niệm là vấn đề tái diễn của bệnh lý mạn tính cần được tăng cường và hỗ trợ điều trị.

Cắt cơn không phải là điều trị nghiện

Vì bản chất nghiện là bệnh lý mạn tính nên cắt cơn đơn thuần hầu hết sẽ thất bại. Đây chỉ là bước chuẩn bị cho quá trình điều trị nghiện heroin. Tuy nhiên, mỗi người nghiện đều có quyền thử cai nghiện bằng biện pháp cắt cơn để biết rằng liệu mình có phải là một trong số rất hiếm người cai nghiện thành công chỉ bằng hình thức cắt cơn hay không.

Đứng trên quan điểm chính sách xã hội (đặc biệt là khi xét về mặt hiệu quả kinh tế) thì chỉ nên đầu tư cho các biện pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trên thế giới và trong nước, chứ không nên chú trọng đầu tư cho biện pháp cai nghiện/cắt cơn mà kết quả đã được chứng minh là rất hạn chế.

Rất ít người nghiện có thể giữ mình tránh xa được ma tuý trong thời gian dài. Nhưng ai là những người có nhiều khả năng thành công nhất? Đó là những người rất trẻ, mới chỉ lệ thuộc vào ma tuý một thời gian rất ngắn, mới chỉ hít mà chưa đến giai đoạn tiêm chích heroin.

Ngoài ra, những người có thể thành công bằng biện pháp cắt cơn là những người đã nghiện quá nhiều năm, và họ đã trở nên mệt mỏi nên ngừng sử dụng heroin, nhưng lại có xu hướng lạm dụng một loại chất gây nghiện khác không theo đường tiêm chích như rượu, thuốc ngủ…

Kinh nghiệm về việc sử dụng cắt cơn như một phương thức cai nghiện ở Việt Nam cũng giống như kinh nghiệm mà các nước Châu Âu, Mỹ và Úc đã trải qua. Trước đây, người ta hy vọng rất nhiều vào việc pháp cắt cơn nếu được thực hiện tốt thì sẽ đem lại kết quả. Nhưng ngay cả những quy trình cắt cơn tốt nhất rồi cũng đã thất bại. Với quan niệm cũ, những người thực hiện chương trình cai nghiện có ý định tốt, nhưng bệnh nhân thì bị chê trách, bị quy là không tuân thủ, không hợp tác, lừa dối, và đi ngược lại các giá trị và chuẩn mực xã hội.

Sau đó, methadone được đưa vào sử dụng, nhưng nó chỉ được coi là một hình thức “cắt cơn kéo dài”. Quan điểm này cũng đã dẫn đến thất bại trong việc thực hành điều trị nghiện. Dần dần, quan điểm lên án về đạo đức đối với người nghiện như tệ nạn xã hội dần chuyển thành cách tiếp cận mang tính sức khỏe cộng đồng, đó là sự kết hợp giữa việc tôn trọng bệnh nhân, tính tự nguyện, các hoạt động giảm tác hại và điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện trong thời gian dài. Đây không phải là chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nó là sự chăm sóc tốt, điều trị và quản lý bệnh lâu dài. Cuối cùng, các bằng chứng thực tế trong điều trị đã đưa đến lệ thuộc chất dạng thuốc phiện được coi là một bệnh mạn tính, hay tái diễn và cần có sự chăm sóc điều trị suốt đời.

Người ta đã quan sát những trường hợp tù nhân bị cách ly khỏi ma túy trong thời gian nhiều năm, nhưng tỷ lệ tái nghiện và tử vong do sốc heroin quá liều trong thời gian ngắn sau khi ra tù lại rất cao. Thực tế này đã dẫn đến việc nhiều nước châu Âu, Canada, Malaysia và một số nước khác đã đưa biện pháp điều trị duy trì bằng methadone vào các nhà tù/trại giam.

Hệ thống các trung tâm 06 hiện nay ở Việt Nam trên thực tế là một hệ thống các cơ sở quản lý với mức độ an ninh thấp. Mặc dù nó có vai trò cách ly người nghiện ra khỏi cộng đồng xã hội một cách tạm thời nhưng không giúp người nghiện được cai nghiện lâu dài mà sau khi về cộng đồng, mọi việc lại nhanh chóng quay trở về như thời gian nghiện trước đây. Đối với người nghiện, cắt cơn để “sạch” ma túy thực ra khá dễ dàng, nhưng duy trì được kiêng nhịn không sử dụng mới là rất khó khăn.

http://tiengchuong.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây