Phiên toà xét xử các bị cáo phạm tội buôn bán trong phiên xử ngày 6.8.2014 tại người tại TAND tỉnh Tây Ninh . Ảnh: Thế Nhân |
Theo số liệu của ngành chức năng, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ mua bán phụ nữ, trẻ em. 60% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại sang các nước khác. 6 tháng đầu năm 2014, cả nước phát hiện 301 vụ mua bán người - tăng 42 vụ so với cùng kỳ năm 2013.
Đủ chiêu trò trục lợi
Tại Tây Ninh, theo thông tin được cung cấp từ cơ quan Công an tỉnh, trước đây tình trạng phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài diễn ra ồ ạt một cách bất thường- chủ yếu là vì mục đích đi lấy chồng ngoại hoặc tìm việc làm có thu nhập cao. Từ năm 2005 trở lại đây, tình trạng trên có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cũng từ lúc này, xuất hiện các loại tội phạm thường xuyên dụ dỗ phụ nữ bán ra nước ngoài, thu lợi bất chính. Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến hết sức phức tạp, có sự gia tăng về quy mô với tính chất ngày càng nguy hiểm, kéo theo hậu quả cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Bọn tội phạm buôn bán người sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và mang tính chất quốc tế.
Trong 9 năm qua (2005 - 2014) lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá thành công nhiều vụ án buôn bán người, giải cứu 475 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- Công an Tây Ninh (Phòng CSĐT) triệt phá 4 đường dây buôn bán người, bắt 42 đối tượng, giải cứu 26 nạn nhân.
Các huyện xảy ra tình trạng phụ nữ bị dụ dỗ đi lấy chồng nước ngoài nhiều nhất là Gò Dầu, Tân Biên, Châu Thành và Tân Châu- chủ yếu là ở các vùng nông thôn, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng phạm tội đa phần là những kẻ có người thân từng là nạn nhân bị bán ra nước ngoài, sau đó quay trở về Việt Nam tìm kiếm, dụ dỗ những phụ nữ khác. Trung bình mỗi phụ nữ bị chúng dụ bán ra nước ngoài với giá từ 70-90 triệu đồng. Trừ các chi phí, các đối tượng phạm tội thu lợi từ 20-30 triệu đồng. Đối tượng nạn nhân chúng nhắm vào thường là những phụ nữ nghèo, nhẹ dạ, nông nổi, mong muốn đổi đời một cách nhanh chóng.
Năm 2011, Nguyễn Mai Kiều sinh năm 1988, ngụ thị trấn Dương Minh Châu xuất cảnh sang Trung Quốc lấy chồng. Tại đây, Kiều cùng chồng tên là A Lê tìm những người đàn ông bản xứ có nhu cầu lấy vợ Việt Nam để chào mời: mỗi cô gái Việt được đưa sang Trung Quốc có giá từ 90 – 120 triệu đồng. Trở về quê nhà, Kiều phân công cho các đối tượng Tân, Quý và Nhung làm đầu mối tuyển chọn các cô gái và lo thủ tục đưa họ sang Trung Quốc để bán. Tân cùng các đối tượng Liên, Thành, Thuý và Hiền trực tiếp tuyển chọn các cô gái và được Kiều trả công từ 3-5 triệu đồng/cô. Chúng dùng lời ngon ngọt, dụ dỗ các cô gái rằng các cô sẽ được đưa sang Trung Quốc lấy chồng trẻ, đẹp trai, giàu có và sẽ có khoảng 33 triệu đồng để gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, khi sang Trung Quốc, các cô gái bị thu giữ toàn bộ giấy tờ tuỳ thân, rồi bị đưa đi bán cho những người đàn ông Trung Quốc nghèo khó ở khu vực miền núi hẻo lánh, cuộc sống vô cùng cơ cực. Từ năm 2011 đến năm 2014, Kiều cùng đồng bọn đã tổ chức bán sang Trung Quốc tổng cộng 15 phụ nữ Việt Nam, trong đó bán trót lọt 10 người, còn lại 5 người- trong lúc chúng đang làm thủ tục xuất cảnh cho họ thì bị Công an phát hiện, bắt giữ.
Trong một vụ án khác, ngày 6.7.2012, Phòng CSĐT phối hợp cùng các đơn vị có liên quan bắt quả tang các đối tượng Vong Kam Sang, Lin Liang Hui và Phạm Thị Nhung đang chuẩn bị đưa 3 cô gái Việt Nam sang Trung Quốc để bán. Cùng đi còn có 3 người đàn ông Trung Quốc được Lin Liang Hui đưa sang Việt Nam coi mắt. Kết quả điều tra cho thấy, đường dây của Lin Liang Hui hoạt động từ tháng 2.2011. Mở rộng điều tra, Công an Tây Ninh bắt tổng cộng 22 đối tượng, gồm 9 người Việt Nam và 13 người Trung Quốc. Tính đến thời điểm bị triệt phá, đường dây này đã bán trót lọt 45 phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài việc dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ với chiêu bài đi nước ngoài để lấy chồng giàu hoặc đi làm việc có thu nhập cao, các đối tượng phạm tội còn thông qua dịch vụ môi giới hôn nhân; cho nhận con nuôi ra nước ngoài. Bọn chúng luôn tỏ ra sốt sắng giúp đỡ các thủ tục, giấy tờ kết hôn, thậm chí còn cho tiền, quà hay cho ứng tiền làm thủ tục… đồng thời không quên xúi giục nạn nhân rủ thêm những “con mồi” khác.
Trong một vụ án xảy ra vào năm 2012, Đào Thị Trúc Phương sinh năm 1990, ngụ tại ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên đã thành kẻ phạm tội với thủ đoạn như trên. Phương sang Malaysia làm thuê, nhờ đó quen biết với một đối tượng tên là Ty Ty- quốc tịch Malaysia. Ty Ty bàn với Phương về Việt Nam tuyển chọn các cô gái trẻ đẹp, dụ dỗ sang Malaysia để đưa vào các khách sạn hoạt động mại dâm. Phương nghe theo lời, quay về nước tìm kiếm những cô gái trẻ, rủ rê sang Malaysia làm việc, cam đoan rằng các cô sẽ “phất” lên nhanh chóng với mức lương từ… 40 đến 50 triệu đồng mỗi tháng mà công việc lại nhẹ nhàng, không bị ai gò bó, bắt buộc! Khi đã dẫn dụ được các cô gái nhẹ dạ cả tin sang Malaysia, Phương lập tức ép các nạn nhân phải bán dâm để trả lại cho Ty Ty các khoản chi phí đã bỏ ra. Phương còn đảm nhận nhiệm vụ theo dõi, ghi chép sổ sách, tính tiền khi các tiếp viên “đi làm” về. Hằng tháng, Phương được Ty Ty trả tiền công là 8 triệu đồng Việt Nam.
Ngoài các thủ đoạn như kể trên, bọn buôn bán người còn lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, tạo ra sự lệ thuộc về vật chất, tinh thần, buộc các cô gái phải bán thân để chúng trục lợi. Bọn chúng dụ dỗ, cho các cô gái mượn tiền mua sắm quần áo, tư trang… để chưng diện rồi ép các cô viết giấy nợ với mức lãi suất rất cao, đến khi nạn nhân không còn trả nợ nổi thì bọn chúng bắt ép đi làm tiếp viên hoặc bán sang tay cho chủ khác.
Mới đây, Phòng CSĐT phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đồng loạt tiến hành kiểm tra hành chính 5 điểm karaoke và 6 nhà nghỉ, bắt khẩn cấp 22 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân bị bán từ Tây Ninh sang Bình Phước. Qua điều tra cho thấy, các đối tượng phạm tội đã dùng chiêu bài “cho mượn tiền”- nghĩa là bỏ tiền ra cho các tiếp viên mượn mua quần áo, điện thoại, xe mô tô. Sau đó bọn chúng bắt con nợ viết giấy nợ với lãi suất 20%/tháng, buộc họ phải trả góp hằng ngày từ 100.000 đến 300.000 đồng, cuối tháng cộng lại nếu chưa đủ tiền vốn thì tiếp tục chịu 20% lãi suất phần còn nợ. Chúng còn ép các tiếp viên phải đi tiếp khách khi có yêu cầu. Nếu không đi, các cô phải chịu phạt: ngày thường nộp phạt 500.000 đồng, còn ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật thì 1 triệu đồng. Ai không đóng tiền phạt sẽ bị đánh đập. Một số tiếp viên không trả nổi tiền nợ và tiền phạt, bỏ trốn đi làm chỗ khác sẽ bị chúng truy lùng để bắt về. Các cô buộc phải tiếp tục làm việc cho chúng nếu không muốn bị bán lại cho chủ khác.
Cô dâu Việt quê Tây Ninh- nạn nhân bị chồng Hàn Quốc sát hại vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Thế Nhân (chụp lại ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp). |
Do bị Công an truy quét, triệt phá, hiện nay nhiều đối tượng cấu kết với nhau, tạo thành đường dây buôn bán người hoạt động khép kín, có quy mô xuyên quốc gia. Các đối tượng sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh móc nối với một số đối tượng ở Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và cả các đối tượng người nước ngoài – chủ yếu là Trung Quốc. Phương thức hoạt động của bọn tội phạm này hết sức tinh vi, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, thuê khách sạn hoặc thuê nhà để ở. Thời gian sau này, khi Tây Ninh siết chặt hơn các quy định về thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, những kẻ môi giới mua bán người hoạt động trên địa bàn tỉnh đối phó bằng thủ đoạn cắt, chuyển hộ khẩu của phụ nữ trong tỉnh đến các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh. Với chiêu thức này, các đối tượng dễ dàng “vượt ải”, đưa các nạn nhân sang nước ngoài tổ chức kết hôn, sau đó về Việt Nam làm hồ sơ xin “ghi chú kết hôn” để đăng ký kết hôn hợp pháp.
Còn đó những ảo vọng đổi đời
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, các cơ quan chức năng luôn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng nông thôn còn thấp; nhận thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình không đúng đắn, nhắm mắt chạy theo ảo vọng về một cuộc sống huy hoàng mà không cần phải tốn nhiều mồ hôi, công sức, vì thế dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Khi sự việc xảy ra, do mặc cảm, xấu hổ, nhiều nạn nhân và gia đình họ không chịu báo cho chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng biết. Mặc dù trong thời gian qua, ngành Công an và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức cảnh giác về tội phạm mua bán người, các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên đưa tin, cảnh báo về những trường hợp cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị sát hại ở nước ngoài… thế nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ giấc mộng đổi đời bằng các cuộc hôn nhân vì mục đích vật chất.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an, mà đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở từng địa phương. Tội phạm chắc chắn sẽ được kéo giảm nếu như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đồng thời từng đơn vị, từng tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo BTNO