Kiềm chế tai nạn giao thông đau lòng: Xây dựng văn hóa giao thông phải cụ thể, cấp thiết

Thứ ba - 09/09/2014 00:00 52 0
Tai nạn giao thông (TNGT) không chừa một ai, không chừa một không gian, hoàn cảnh địa lý nào. TNGT đi qua, nỗi đau dai dẳng còn đó. Mỗi ngày đi qua chúng ta phải chứng kiến hàng chục người bỏ mạng vì TNGT. Trước thực tế này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải chung tay đẩy lùi vấn nạn TNGT.

 

Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, góp phần đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông đau lòng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền mới đây do Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) tổ chức, Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt tỏ ra lo ngại: Thật đáng lo ngại thay, khi thời gian qua, chúng ta vẫn phải chứng kiến một thực tế đau buồn đó là TNGT luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Đã có hàng chục người thiệt mạng do TNGT gây ra mỗi ngày… Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, chỉ tính riêng từ ngày 30/8 đến 5/9, cả nước đã xảy ra 350 vụ TNGT, khiến 196 người bị chết và 274 người bị thương.

 Thực tế cho thấy, TNGT xảy ra dẫu có nhiều nguyên nhân gây ra, như: mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện không đảm bảo. Thế nhưng, có điều không thể phủ nhận rằng, có tới hơn 80% số vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua có lỗi chủ quan - ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT đường bộ - đường sắt) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua không gì khác, tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức, văn hóa ứng xử giao thông, đạo đức người lái xe còn hạn chế. Thế nên, những vi phạm về lỗi vượt quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông… diễn ra còn phổ biến.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã hơn một lần triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, TNGT, song dường như phớt lờ các quy định, một bộ phận các chủ phương tiện còn "nhờn" luật. Vi phạm diễn ra vẫn nhức nhối. Tất cả cũng đều bắt nguồn từ ý thức, văn hóa ứng xử giao thông của nhiều chủ phương tiện còn kém. Sáng 7-9, dạo quanh các tuyến phố ở Hà Nội, chúng tôi thấy lo ngại trước tình trạng nhiều xe hễ thấy vắng bóng lực lượng CSGT là vượt đèn đỏ, là lấn làn đường, là chở quá số người quy định, là không đội mũ bảo hiểm…

Trên những tuyến quốc lộ, sự thiếu ý thức văn hóa ứng xử giao thông của người điều khiển phương tiện càng thể hiện rõ. Dù trên đường đã được phân định rõ làn đường, gắn biển báo cấm vượt, hạn chế tốc độ, thế nhưng tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của các "hung thần" xe khách vẫn diễn ra khá phổ biến. Trên tuyến QL1A, đoạn đi qua địa bàn các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., tại các điểm không có lực lượng CSGT chốt trực, ta không khó để bắt gặp hình ảnh các "hung thần" xe khách rượt đuổi nhau, tranh giành "vợt" khách dọc đường.

Trở lại vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử giao thông, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, văn hóa giao thông không phải là cái gì quá xa lạ với chúng ta. Văn hóa giao thông là sự chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông; văn hóa giao thông là sự tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; văn hóa giao thông là bài trừ "cái tôi" thể hiện mình thông qua hành vi vi phạm Luật Giao thông v.v..

Người có văn hóa ứng xử giao thông là người mà trong mọi hoàn cảnh đều luôn tự ý thức rằng, chỉ một chút bất cẩn, chỉ một chút thiếu ý thức khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm Luật Giao thông thì TNGT sẽ xảy đến, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khôn lường.

Việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là của chính bản thân mỗi chúng ta. Bản thân mỗi chúng ta cần thấy rõ trách nhiệm cũng như nghĩa vụ xây dựng văn hóa giao thông cho cộng đồng, từ đó góp phần đẩy lùi vi phạm, TNGT đau lòng.

 Việc xây dựng văn hóa giao thông không có gì là to tát, diệu vợi, nó gần ngay trong mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể xây dựng được nó - đó là tuân thủ, nhắc nhở người thân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông, tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc đẩy lùi vi phạm, TNGT.

Đến giờ, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng về những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào những ngày đầu tháng 9/2014. Chỉ trong vòng 2 ngày, 1 và 2/9, đã có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Hưng Yên và Lào Cai khiến 15 người bị chết và 42 người bị thương (số liệu tính đến hết ngày 2/9). Nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đều có liên quan đến hoạt động vận tải xe khách. Điển hình như vụ TNGT xảy ra tại tỉnh Lào Cai. Theo tin từ Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), trước đó, vào khoảng 19h ngày 1/9, khi lưu thông đến đoạn đường thuộc Km19 -QL4D (đoạn đường từ Sa Pa về TP Lào Cai), thuộc địa phận xã Tòng Sảnh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, xe ôtô khách mang BKS 29B-085.8x đã xảy ra tai nạn, rơi xuống vực sâu khoảng 200m. Hậu quả tai nạn (đến 7h ngày 2/9) khiến 12 người chết và 41 người bị thương.

Theo cand.com.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây