LTS: Thực hiện nguyện vọng của quân và dân Tây Ninh, để ghi lại dấu ấn quan trọng, chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh bại cuộc hành quân Junction City, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xây dựng tượng đài chiến thắng Junction City.
Lễ khánh thành tượng đài chiến thắng Junction City được long trọng tổ chức vào ngày hôm nay- 4 tháng 12 năm 2015, tại Khu di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu.
|
CUỘC HÀNH QUÂN THAM VỌNG NHẤT
Sau thất bại của cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), quân viễn chinh Mỹ tổn thất nặng nề nhưng vẫn nung nấu một giải pháp giành thắng lợi bằng quân sự, để giải quyết cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Bước vào mùa khô 1966-1967, với lực lượng được tăng cường, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai. Ở chiến trường Đông Nam bộ, chúng mở cuộc hành quân Attelboro đánh phá vào khu căn cứ Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) tháng 11.1966, với lực lượng huy động khoảng 3 vạn quân; cuộc hành quân Cedar Falls đánh vào “khu tam giác sắt” (Trảng Bàng – Bến Súc – Củ Chi) tháng 1.1967, và cuộc hành quân quy mô lớn nhất, dài ngày nhất mang tên Junction City, tập trung lực lượng đánh vào khu căn cứ Bắc Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam-Campuchia.
Khu căn cứ Bắc Tây Ninh được gọi là khu B (địch gọi là khu C) thuộc phần đất Dương Minh Châu (sau đó tách ra thành lập huyện Tân Châu hiện nay). Chính tại nơi đây, từ ngày 22 tháng 2 năm 1967 đến ngày 15 tháng 4 năm 1967, Mỹ đã thực hiện cuộc hành quân lớn nhất, tham vọng nhất từ khi đưa quân vào xâm lược Việt Nam.
Cuộc hành quân với tên gọi Junction City do tướng ba sao Jonathan Seaman- Tư lệnh dã chiến 2 chỉ huy, tập trung lực lượng 45.000 quân, 1.200 xe tăng, thiết giáp, 250 khẩu pháo, 600 máy bay chiến đấu và vận tải. Máy bay B52 ném bom huỷ diệt từng vùng rộng để phục vụ cuộc càn quét.
Mục tiêu của chúng là tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, diệt Sư đoàn 9 chủ lực Quân giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng, cô lập biên giới, triệt phá kho tàng, dự trữ hậu cần của lực lượng cách mạng. Chia cắt, lấn chiếm khu căn cứ. Giành lấy một thắng lợi quân sự quyết định tạo ra một bước ngoặc làm chuyển biến cục diện quân sự, chính trị có lợi cho chúng.
Để chuẩn bị cho cuộc hành quân Junction City, các căn cứ Mỹ và các chốt biệt kích nguỵ từng bước hình thành thế bao vây, chia cắt căn cứ kháng chiến. Từ ngày 25.9.1966 đến ngày 20.2.1967, địch thực hiện trên 60 phi vụ C47 và C123 thả chất độc khai quang trên một khu vực rộng lớn của khu căn cứ Bắc Tây Ninh.
Tiếp đó, máy bay cường kích và máy bay B52 dội bom ồ ạt xuống vùng rừng Tây Ninh. Các máy thu tiếng động được thả ở các hành lang căn cứ. Hàng loạt toán biệt kích đột nhập vào các khu vực quan trọng. Trong khi đó, hơn 7 lữ đoàn Mỹ, 2 chiến đoàn nguỵ, 1.200 xe tăng, xe bọc thép, 256 khẩu pháo, 300 máy bay lên thẳng, 3 phi đoàn máy bay vận tải đã sẵn sàng tư thế tiến công.
Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ không ngờ từ quân và dân Tây Ninh. Nắm được ý đồ của địch, quán triệt sự chỉ đạo và phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy Quân sự Miền, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ, sẵn sàng đánh địch trên trục lộ giao thông, đánh địch ở các cứ điểm, phá kho tàng, đánh phá mạnh ấp chiến lược để bẻ gãy “cuộc hành quân lớn nhất” này.
Tham vọng to lớn, vũ khí hiện đại, lực lượng tinh nhuệ, thực hiện cuộc hành quân dài nhất, lớn nhất kể từ khi vào Việt Nam, thế nhưng đế quốc đã thất bại ngay từ những ngày đầu tiên. Như Hãng thông tấn AFP của Pháp đưa tin sau bốn ngày diễn ra trận càn Junction City: kết quả thật đáng buồn, trong bốn ngày qua chẳng thấy dấu vết nhà lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng đâu cả... Đài phát thanh Mặt trận dân tộc giải phóng vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù một trong những mục tiêu của cuộc hành quân là làm cho nó câm đi...
Bộ chỉ huy Mỹ đang chuẩn bị thú nhận cuộc mạo hiểm này là thất bại!”. Tướng Oetmolen, tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh ở miền Nam Việt Nam than thở: chẳng tìm thấy bóng một tên du kích Việt cộng đâu cả, nhưng bất cứ ở đâu quân Mỹ cũng đều bị chặn đánh.
Qua 53 ngày đêm, cuộc hành quân với quy mô lớn nhất của Mỹ trên chiến trường miền Nam đã bị quân, dân vùng căn cứ và quân, dân Tây Ninh bẻ gãy hoàn toàn. Lực lượng vũ trang giải phóng đã diệt gọn 2 tiểu đoàn, 11 đại đội bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, 9 chi đoàn xe thiết giáp, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên Mỹ (1/3 quân số), phá huỷ 992 xe (có 775 xe thiết giáp), 112 trong số 256 khẩu pháo, bắn rơi 160 máy bay, trong đó có 144 trực thăng, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.
SỤP ĐỔ THẢM HẠI
Đánh giá thắng lợi cuộc chống trận càn Junction City của đế quốc Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự Miền nhận xét: Cuộc hành quân Junction City là một cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại cao của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt.
Sau thất bại nặng nề của trận càn Junction City, quân Mỹ không mở được cuộc hành quân nào lớn như vậy, nội bộ mâu thuẫn, ý chí xâm lược lung lay, tên tướng chỉ huy cuộc hành quân Jonathan Seaman bị cách chức tại chỗ. Chiến lược mùa khô lần thứ hai sụp đổ khiến quân đội Mỹ phải chuyển từ chiến lược tấn công sang phòng ngự và ngày càng lún sâu vào thế bị động.
Mac Namara- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ chua chát thừa nhận: “Tại miền Nam Việt Nam có trên 1 triệu quân nhưng bị dồn vào thế bị động cầm chân, tê liệt từng bộ phận. Quân thiện chiến của Mỹ bị tổn thất nhiều và đau đớn...
Ngược lại, chủ lực Việt cộng được gia tăng nhiều hơn bao giờ hết”. Tướng Oetmolen cũng thú nhận: “Các đội bình định nông thôn bị diệt đến con số báo động”. Các báo cáo của địch vào tháng 5.1967 viết: “Khủng hoảng từ trung ương đến các địa phương”. Tờ Daily Télégraphe, số ra ngày 5.7.1967 viết: “Về cơ bản Mỹ đã quay về thế phòng ngự”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong cuộc hội thảo khoa học “Chiến dịch phản công Bắc Tây Ninh 22.2 - 15.4.1967” từng đánh giá: “Chiến công đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn dài ngày của quân Mỹ không những có ý nghĩa to lớn về quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc: nó làm cho những người cầm đầu Nhà trắng hiểu rằng lực lượng quân đội hùng hậu, vũ khí hiện đại không thể nào đánh bại được quân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc mình”.
Giành được thắng lợi to lớn, toàn diện đó, quân dân Tây Ninh đã đóng góp một phần không nhỏ công sức của mình, cùng quân dân miền Đông đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của địch, tạo ra cục diện chiến trường mới có lợi cho cách mạng miền Nam, đặc biệt, những bài học rút ra từ chiến thắng cuộc hành quân Junction City đã góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo BTNO