Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức điều trị cho những học viên nghiện chất dạng thuốc phiện đang cai nghiện bằng thuốc Methadone; chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo cán bộ, cấp phép về điều trị Methadone và cung cấp đủ nguồn thuốc Methadone cho các Cơ sở cai nghiện để tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều trị bằng thuốc Methadone.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện đẩy nhanh việc thành lập các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, nhằm tiếp tục cấp phát thuốc Methadone khi học viên hết thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng.
Việc tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các Cơ sở cai nghiện phải thực hiện đúng theo Thông tư số 12/2015/TT-BYT ngày 28/5/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Theo tiengchuong.vn, khi điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, người bệnh lệ thuộc vào thuốc Methadone chứ không nghiện Methadone. Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, có tác dụng tương tự như morphine, hay heroin nhưng không gây khoái cảm hoặc khoái cảm yếu. Methadone có tác dụng làm mất các biểu hiện của hội chứng cai, giảm đáng kể thèm nhớ, cạnh tranh và khóa tác động của heroin. Thuốc methadone trên thế giới được sử dụng rộng rãi để điều trị đau mạn tính, điều trị hỗ trợ trong cắt cơn (để giảm biểu hiện và triệu chứng cai chất dạng thuốc phiện) và điều trị thay thế duy trì cho người nghiện chất dạng thuốc phiện. |
Hoàng Mai