Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ ba - 02/07/2024 19:46 472 0
Chiều ngày 02/7/2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh có biểu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, với sự tham dự của trên 200 cử tri là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

 

ĐBQH tham dự buổi tiếp xúc cử tri

Tham dự buổi tiếp xúc có ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ĐBQH Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ĐBQH Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu; ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến và ĐBQH Trần Hữu Hậu.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu báo cáo cử tri kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV

Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu báo cáo cử tri kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV; ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7.

Quang cảnh buổi tiếp xúc

Theo báo cáo, sau 27,5 ngày làm việc, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp thứ 7 với khối lượng công việc rất lớn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội; Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu  đồng/tháng (tăng 30%). Điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu  đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu  đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Luật gồm 11 chương, 141 điều với một số điểm mới cơ bản như Quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần quy định của Luật Người cao tuổi về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi (theo Điều 21 dự thảo Luật quy định 75 tuổi và quy định “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ”); mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến một số nhóm đối tượng; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm; Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước; Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng hương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lấn (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102): người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần;…

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự phấn khởi khi các phản ánh, kiến nghị được Quốc hội quan tâm, ghi nhận và đưa vào thực hiện. Cử tri cũng đặt ra một số nội dung và được ĐBQH Phạm Hùng Thái,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiếp thu, trả lời.

ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phấn khởi với những kết quả nổi bật của tỉnh Tây Ninh, tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế xã hội của Nhân dân Tây Ninh. Cử tri đồng tình với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội - đây là một trong những chính sách lớn, rất quan trọng của Đảng, Nhà nước. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thông tin đến cử tri một số nét nổi bật, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển con người.

DP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây