Đồng chí Hoàng Trung – Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện và Trung tâm thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Hiệp hội Sắn Việt Nam; lãnh đạo Sở NN&PTNT 24 địa phương có diện tích trồng mì lớn trên phạm vi cả nước; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ khoai mì trong nước.
Khoai mì là một trong các cây trồng trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; từ cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Bộ Công thương đưa mì vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo); tinh bột mì, mì lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng; giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua từng năm, Việt Nam là nước xuất khẩu mì đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan.
Diện tích mì cả nước dao động từ 520-550 nghìn ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi. Hiện cả nước có trên 140 nhà máy chế biến tinh bột mì, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm; các nhà máy được đầu tư, cập nhật và nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm.
Đồng chí Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam báo cáo tình hình kinh doanh sắn/mì tại Việt Nam
Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ mì đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
Tại Tây Ninh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 341.897,0 ha, trong đó có 61.000 ha đất sản xuất khoai mì, (chiếm 23%). Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng mì lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai nhưng đạt năng suất lớn nhất cả nước với sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước. Tính đến tháng 6 năm 2024, diện tích khoai mì trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 45.975 ha, bằng 74,6% so với Kế hoạch. Cây khoai mì được trồng và thu hoạch hầu như quanh năm nhưng tập trung vào 02 vụ chính là vụ Đông Xuân (67%) và Hè Thu (20%). Cơ cấu giống hiện nay gồm KM 505 (52%), KM 140 (27%), HN1 (10%), các giống khác (11%). Hiện nay, diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá đã giảm mạnh (giảm 7.453 ha so với năm 2019) và giảm mức độ gây hại dần về các năm sau, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng. Giá thu mua nguyên liệu củ khoai mì năm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh dao động từ 3.500 – 3.800 đồng/kg với hàm lượng bột đạt 30%, mang lại doanh thu khá cao cho người sản xuất khoai mì (trên 120 triệu đồng/ha).
Nông dân thu hoạch sắn/mì tại Tây Ninh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết Tây Ninh là tỉnh có điều kiện về đất đai, khí hậu và nguồn nước tưới dồi dào, thuận lợi trong việc trồng và phát triển cây mì của địa phương. Để năng suất bình quân của khoai mì đạt trên 33 tấn/ha và diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá giảm mạnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo Ngành Nông nghiệp phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống khoai mì có khả năng kháng bệnh khảm lá. Tính đến nay, diện tích trồng giống khoa mì kháng khảm lá đạt 4.524,5 ha (trong đó giống HN1 là 4.411,5 ha).
Về chế biến thì hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư nhiều công nghệ chế biến mới và đa dạng hóa sản phẩm, xuất khẩu còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh Tây Ninh tiếp tục quan tâm thúc đẩy chế biến, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để ngành hàng khoai mì ngày càng phát triển bền vững.
Đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị
Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp về công tác phòng trừ bệnh khảm lá, nhân giống khoai mì sạch bệnh tại các địa phương và công tác đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến tại các doanh nghiệp khoai mì; các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây mì, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thông qua các biện pháp chủ yếu là trồng giống kháng, giống sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…
Đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh vị trí của cây khoai mì, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án với mục tiêu tập trung cải thiện năng suất; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cây khoai mì; mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội triển khai thực hiện Đề án, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Hoàng Trung – Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu kết luận Hội nghị
Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ và địa phương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng này; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu mì ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây. Chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thị trường, thuế, quy hoạch vùng trồng,…
Lạc Nguyên