Tiến sĩ Trần Du Lịch trả lời báo chí về trọng tâm liên kết vùng.
Với chủ đề “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng”, diễn đàn kinh tế Đông Nam bộ lần II năm 2017 được tổ chức chiều 26.9 tại hội trường Thống nhất (thành phố Hồ Chí Minh). Tham dự có ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ.
Đây là diễn đàn thường niên do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND các tỉnh miền Đông Nam bộ đồng chủ trì.
Ông Cao Đức Phát nhận định, diễn đàn đi vào chủ đề thiết thực, cụ thể, đưa ra được những vấn đề, giải pháp, kiến nghị có giá trị để ban tổ chức trình lên các cấp cao hơn, đề xuất các giải pháp hữu hiệu cho vùng kinh tế. Trong đó, phát huy sức mạnh liên kết nội vùng cần được hợp thức hoá bởi một hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy công tác xúc tiến liên kết vùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; kết nối hạ tầng, kết nối thông tin…
Tham luận của Tiến sĩ Trần Du Lịch- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cũng trình bày dự kiến thành lập Hội đồng Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ với mục tiêu kết nối, liên kết tất cả các Hiệp hội trong vùng.
Từ đó, việc tăng cường phối hợp giữa các vùng là một trong những giải pháp để liên kết chặt chẽ hơn. Cộng đồng doanh nghiệp trong vùng kinh tế có thể kết nối và chủ động phân bổ lợi thế đầu tư, tất cả cùng hướng về mục tiêu vì kinh tế vùng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2017, kinh tế Đông Nam bộ thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, có các tỉnh, thành đứng đầu cả nước: thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu, thu hút 41,67 tỷ USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Bình Dương thu hút 28,66 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút 26,72 tỷ USD, chiếm 8,7%.
Tuy nhiên, xét về địa bàn đầu tư thu hút các dự án lớn, các vị trí đứng đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI lại không thuộc tỉnh, thành nào trong vùng Đông Nam bộ.
Riêng với tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở vùng Đông Nam bộ trên cơ sở quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các dự án đầu tư trọng điểm mang tính liên kết cao là rất cần thiết, sẽ hỗ trợ cho lợi ích và sự phát triển của kinh tế vùng và cả nền kinh tế.
Diễn đàn kinh tế Đông Nam bộ lần II năm 2017 đưa ra thông điệp mạnh mẽ: kinh tế vùng Đông Nam bộ nếu được liên kết đúng mức sẽ là một “đầu tàu” mạnh hơn, nhanh hơn và an toàn hơn khi cùng chung một nhịp chuyển động, chung một hướng đến.
Vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ luôn thể hiện được vai trò đi đầu trong thúc đẩy xúc tiến đầu tư, liên kết vùng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; kết nối hạ tầng, kết nối thông tin… tiếp tục là đầu tàu đối với cả nước.
Theo Báo Tây Ninh Online