Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 16/04/2015 10:00 61 0
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, đơn vị cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của người lao động. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn đã dành được những kết quả đáng khích lệ.

gass.jpg 

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở xã Thạnh Đông, Tân Châu (ảnh Thụy Thảo)

Để đạt được kết quả tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Việc làm này giúp cho người lao động nông thôn biết, hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước đối với người lao động khi tham gia học nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956  của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra các cấp, ngành tuyên truyền bằng cách lồng ghép vào các cuộc hội nghị của các ban ngành, đoàn thể để khuyến khích người dân tham gia học nghề được 336 cuộc với 12.903 người tham dự.

Hội nông dân Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã tổ chức phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn. Đài phát thanh - Truyền hình Tây Ninh có 1 phóng sự, thực hiện 1 phụ trương trên Báo Tây Ninh, tổ chức 7 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên là hội viên Hội nông dân với số lượng 350 người.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Tây Ninh ngày càng được quan tâm phát triển, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng lên, nhiều loại hình đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được mở rộng và đa dạng hoá. Năm 2014, Tây Ninh đã giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; đào tạo nghề mới cho 21.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43%.

Trong năm qua, tỉnh đã tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn như kỹ thuật se nhang; kỹ thuật nấu ăn; may công nghiệp..

Các mô hình dạy nghề của tỉnh đã đáp ứng được một phần nhu cầu học viên. Sau khi tốt nghiệp, nhiều học viên đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh hoặc tự tạo việc làm tại chỗ; nhiều học viên sau khi được học nghề đã tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Bên cạnh đó, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đáp ứng tiêu chí về nâng cao thu nhập của người nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh cũng đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp như mở các lớp về khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; kỹ thuật trồng rau sạch; kỹ thuật trồng lúa.

Nhờ đó đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập từ chính trên đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình mình. Vì vậy, có thể nói, trong thời gian qua, đã cơ bản đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn trong tỉnh gắn với các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế. Công tác, tuyên truyền tư vấn học nghề chưa sâu rộng. Một số địa phương chưa quan tâm, quản lý học viên sau khi học nghề, chưa xây dựng mô hình đào tạo - gắn liền với việc làm, chưa liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất - kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau học nghề, học viên tự tìm việc làm là chính.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, trong thời gian tới cần phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, phải xem công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề phải đi trước một bước.

Cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để cung cấp cho người lao động. Hoạt động dạy nghề muốn đạt hiệu quả cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề ngay bắt đầu từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (tức là đầu vào), đến việc tổ chức đào tạo nghề sau đó là giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) cho người nông dân. Đồng thời, trong quá trình đào tạo cần đưa kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây