Người Khmer Tây Ninh và lễ hội vào năm mới

Thứ tư - 15/04/2015 17:00 118 0
Với người Khmer, có một điều đặc biệt là trong khi các lễ hội khác được ghi nhớ theo ngày theo âm lịch (mặt trăng), thì lễ đón năm mới lại luôn được tính theo dương lịch. Ở Campuchia, 3 ngày tết vào năm mới là từ 13 đến 15.4, song người Khmer ở Tây Ninh có thể tuỳ nghi tổ chức vào các ngày từ 10 đến 25.4 dương lịch.

le 1.JPG

Quanh núi cát.

Người Khmer Tây Ninh cũng ăn tết trong 3 ngày. Tết bao gồm cả hai phần: lễ và hội. Phần lễ, ngày đầu tiên người ta thực hiện nghi lễ tắm Phật, tắm sư, tắm cho người già cả trong nhà. Tắm Phật là việc lau rửa, dội nước cho các pho tượng Phật, do các sư sãi thực hiện.

Nước giếng trong đựng trong các chậu nhôm hay bằng bạc được các nhà sư trịnh trọng đổ lên đầu pho tượng, dùng tay xoa các bộ phận trên thân tượng sao cho tượng sạch sẽ.

Chú ý rằng có loại chậu riêng dùng cho việc này, trông hơi giống như cái bình bát của các nhà sư đi khất thực. Chậu có thể làm bằng bạc nhưng đa số là bằng nhôm và gần đầy còn có chậu inox, tất cả đều có chạm khắc hoa văn ở mặt ngoài. Sau nghi thức tắm Phật, đến lượt các nhà sư theo thứ tự các chú tiểu, sa di tắm cho vị sư trụ trì, chú tiểu tắm cho sa di.

Tại mỗi gia đình Khmer ở Thạnh Đông, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), người ta cũng thực hiện tắm cho các ông bà, cha mẹ, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với bậc sinh thành.

Theo lời các cụ già, thời xa xưa đồ nhôm, bạc còn hiếm người ta có thể dùng những chiếc cà om- giống như những nồi đất nhưng đẹp hơn để đựng nước tắm cho bậc bề trên. Nghi lễ quan trọng thứ hai cũng được thực hiện ngay trong ngày đầu năm mới là đắp núi cát và lập các bàn thờ nhỏ quanh chùa.

Ở chùa Kà Ốt (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) người ta quây riêng một ô đất cạnh chùa làm núi cát. Ô này hình chữ nhật, có hàng rào tre hình mắt cáo bao quanh đặt theo đúng hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Bên trong người ta đổ cát vun lên hình ngọn núi.

Trên cát, có 5 cây gậy tầm vông cao khoảng 5 tấc. Một cây ở chính giữa, 4 cây ở về 4 hướng. Các cây này tượng trưng cho núi Mê ru (ở giữa) và 4 núi chung quanh, tạo thành vũ trụ theo quan niệm cổ xưa.

Ở chùa Hiệp Phước (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) người dân lại có tập quán dựng 8 núi cát nhỏ chung quanh chùa, mỗi bên hông 3 núi, trước và sau chùa mỗi nơi một núi. Chính giữa núi cắm một cành tre có buộc trên ngọn những lá trầu không,  chung quanh cắm các nén nhang.

Ngày tết, người Khmer ở Kà Ốt mang vật phẩm đến chùa cúng dường sẽ đi vòng quanh núi cát và rải cát thêm vào đó. Ở chùa Hiệp Phước, người ta đi quanh chùa theo hướng ngược chiều kim đồng hồ và cũng rắc thêm cát vào từng ngọn núi.

Riêng ở chùa Thạnh Đông (Khe Đon), người ta lại dùng thóc và các vật phẩm cúng dường để làm núi cát ở một bên mặt tiền chùa. Họ trải ra một tấm đệm, đổ thóc xuống cho vun lên như hình ngọn núi, chung quanh là các thúng đựng vật phẩm cúng dường.

Tại một số chùa, ngoài núi cát còn có thêm 8 ngôi miếu nhỏ ở 8 hướng quanh chùa- gọi là nhà để đón các nàng tiên về dự lễ mừng năm mới. Nơi nào đơn giản hơn thì chỉ làm các bàn thiên không có mái che. Trên mỗi bàn thờ đặt 5 đoạn thân cây chuối, ở giữa được trang điểm bởi các lá chuối gắn quanh thành hình ngọn tháp.

Bệ giữa cắm 5 hoa đại đỏ, 5 cây nhang, 5 cây đèn cầy. 4 bệ nhỏ chung quanh chỉ cắm 3 cây mỗi loại. Bàn thờ đặt các phẩm vật cúng gồm một chén cơm, một chén mỡ, hai chén nước cùng các thứ như xoài, chuối, trầu, thuốc lá điếu.

Một nghi lễ quan trọng nữa được tiến hành trong ngày tết là lễ dâng các phẩm vật cúng chùa và các sư sãi. Lễ này diễn ra trong ngày thứ 3 của tết, cũng là ngày mà già làng đại diện cho cộng đồng mời các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương tới cùng ăn tết. Không có quy định cụ thể nào về những vật cũng như số lượng vật dâng cúng, tất cả là tuỳ tâm.

Do vậy, tuỳ theo tình hình kinh tế mỗi năm mà vật phẩm có thể nhiều, ít khác nhau. Nhưng nhà nào cũng có đại diện (thường là phụ nữ) sửa soạn các thúng, chậu đựng đồ cúng dường đem đến chùa trong ngày này. Quan sát tại ấp Thạnh Đông, một thúng phẩm vật của một gia đình gồm có: một thúng thóc, một bánh tét, 5 bánh ít, một nải chuối, một trái dưa hấu, vài trái xoài, thanh long.

Ngoài ra còn gạo, nhang, đèn cầy, các gói bánh kẹo. Cũng trong ngày này, các gia đình còn mang lên chùa các cà-mên, nồi, chậu đựng cơm, canh, các món nấu xào để dâng cúng. Vào khoảng gần trưa thấy trống nổi lên giục giã, báo hiệu lễ cúng dường sắp bắt đầu. Ông Lục cà cha (thầy cúng) của người Khmer trong ấp, tay cầm lọng vàng đi dẫn đầu.

Bà con đội các thúng, chậu và mâm đồ lễ nối nhau theo sau đi vòng quanh chùa ba lần. Vừa đi, ông Lục cà cha vừa hô to những lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Khmer có nghĩa rằng: năm mới đến rồi, hoan hô bà con ơi! Mô phật! Sau khi đi hết 3 vòng quanh chùa, người ta đem các thúng vật phẩm vào xếp la liệt trước bàn thờ Phật.

Mọi người ngồi chung quanh, chắp tay niệm Phật. Gần tới bữa trưa, mọi người đem theo các cà-mên, nồi cơm canh, món ăn sắp hàng vòng quanh chùa để đợi các sư sãi. Các sư sãi mặc áo cà sa, tay cầm bình bát xếp thành hàng một tiến ra, lần lượt đi qua vòng người. Đến chỗ người nào, người đó múc cơm và món ăn của mình cho vào bình bát của sư sãi.

Nhiều người còn cúng thêm tiền. Hai bên đều chắp tay, cúi chào nhau sau khi đã trao, nhận. Phần cơm, thức ăn còn lại, bà con đem về để ở giữa nhà sa la, để khi lễ xong tất cả dân ấp sẽ tụ về đây trong một bữa cơm chung tràn đầy hương vị, sắc màu và tình thân ái.

Trong bữa ăn chung này, người Khmer có thể dâng cho sư và góp vào bữa cơm chung các món ăn có cả cá, thịt, chỉ kiêng thịt chó, thịt rắn và tuyệt đối không uống rượu.

le 2.JPG

Đội thúng cúng dường.

Phần hội, lễ vào năm mới thật sự là những ngày hội đông vui. Vì vậy, người Khmer rất chú trọng trang trí cho ngôi chùa của mình thật đẹp đẽ, tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu. Trong chùa, người ta gắn thêm rất nhiều dây hoa, nhiều lá cờ nhỏ- có cả cờ Phật và cờ đỏ sao vàng.

Lại thêm những tua vải được cắt, khâu thành hình chùa tháp. Hai bên cột trước bàn thờ Phật có treo các tấm thảm len rực rỡ nét hoa văn. Trước chùa, có treo lá cờ phướn trắng dài tới 3-4 mét, trên nền vải thêu những hoa văn kim tuyến hình chùa tháp.

Ngoài ra còn có hoa dây giăng mắc trên những ngọn cây cao. Trong khung cảnh này, từng tốp bà con Khmer khăn áo đẹp đẽ đầu đội tay xách đến chùa. Từng toán thanh niên nam nữ đứng trò chuyện dưới bóng cây cổ thụ. Tất cả tạo nên một không khí hội hè rộn rịp. Phần hội còn thể hiện ở các trò chơi dân gian và hát múa.

Người Khmer thường tổ chức chơi trò chơi dân gian trên sân chùa trong các dịp lễ hội. Tham gia vào trò chơi chủ yếu là thanh niên nam nữ và trẻ em. Quan sát tại các chùa, cho thấy hiện nay vẫn còn phổ biến các trò chơi bỏ khăn chuyền, giằng lá cây, mèo đuổi chuột.

Ngoài ra còn có các trò chơi "bắt con rắn" giống như trò "rồng rắn lên mây" của người Kinh hay trò chơi "bắt con gà" và những trò chơi mang tính chất thể thao như đá cầu, kéo co, đẩy cây, đóng trái chàm, chơi đu…

Tiếc rằng, ngày nay ở các chùa gần đô thị như Thạnh Đông, các trò chơi ấy có nguy cơ mai một. Nhưng cũng ở đây lại có một trò chơi rất sôi động của người lớn tuổi.

Họ chia ra thành hai hàng nam, nữ đối đáp chuyện trò. Lát sau, từng đôi phụ nữ khiêng, vác một người đàn ông hoặc một, hai người đàn ông khiêng vác một phụ nữ về phía đội mình. Cuộc chơi diễn ra rất ồn ào và sôi động.

Có thể coi hát, múa là phần chủ đạo trong phần hội của Chol Chnam Thmay. Đôi khi hát múa diễn ra ban ngày nhưng chủ yếu là vào ban đêm.

Người Khmer say mê với bài ca điệu múa, nên những cuộc vui hát múa trong lễ hội thường kéo dài suốt đêm trước hoặc sau ngày hội chính.

Tiếc rằng, nhiều nhạc cụ dân tộc Khmer đã không còn được sử dụng. Trong khi bộ nhạc cụ này khá phong phú với trống Xa dăm, trống Scô day, đàn khum, đàn chà khê, đàn kno sao, đàn krou…  Hiện người ta chỉ còn thấy chúng trên sân khấu liên hoan văn hoá dân tộc Khmer.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây