Xây dựng nông thôn mới- bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ tư - 15/04/2015 11:00 40 0
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xem như là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia của toàn thể nhân dân, mang lại sự chuyển biến lớn ở các khu vực từ lâu được đánh giá kém phát triển nhất của tỉnh.

nhanong.jpg

Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa (Ảnh nguồn internet)

Bước đột phá trong công tác quy hoạch

Xác định công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu chí số 1 trong Bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới) đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Nếu quy hoạch không có chất lượng, không mang tính khả thi, tính tổng thể và tầm nhìn thì không thể đạt được kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong thời gian qua, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cáp cấp, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện cùng toàn thể người dân tham gia đóng góp, thực hiện sắp xếp, bố trí quy hoạch một cách hợp lý, gắn với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để có một mô hình nông thôn mới hoàn thiện, phát triển theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa, vừa mang tính kế thừa tiềm năng sẵn có và vừa mang tính bổ sung.

Đến nay, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bản tỉnh đã cơ bản hoàn thành với chất lượng tốt, đồ án quy hoạch được công bố rộng rãi, quy chế quản lý quy hoạch cũng được xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nghiêm túc thực hiện việc rà soát quy hoạch, chất lượng các đồ án sau khi điều chỉnh bảo đảm theo quy định, đáp ứng kịp thời cho kế hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đầu tư nhằm mục đích tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng lợi trực tiếp cho người dân. Để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng nông thôn. Những năm qua, nhiều địa phương đã linh hoạt trong việc lòng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả.

Trong đó, đầu tư phát triển các công trình đường giao thông nông thôn cũng được xem là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của người dân nên được chú trọng và được người dân đồng tình và tự nguyện tham gia. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phù hợp nên đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, phong trào làm đường giao thông nông thôn được hưởng ứng rất cao.

Cụ thể, chỉ trong năm 2014, toàn tỉnh đã đầu tư và xây mới trên 300 hạng mục công trình bao gồm: giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, công trình cấp nước sạch,…trong đó xây dựng và nâng cấp 234,6 km đường giao thông nông thôn, kiên cố và nạo vét 14.8 km kênh mương nội đồng, xây dựng 31 trường đạt chuẩn, kiên cố hóa 243 phòng học, xây dựng mới 14 trạm y tế xã, nâng cấp và xây mới 8 trung tâm văn hóa xã và 23 công trình văn hóa ấp, nâng cấp 6 công trình cấp nước tập trung và 20 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư, xây tặng 546 căn nhà và sửa chữa 138 căn nhà Đại đoàn kết.

Tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, do đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân luôn được ưu tiên hàng đầu.

 Bằng cách lồng ghép các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, vận động bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh công tác khuyến nông.

Theo đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao tại các địa phương trong tỉnh được hình thành. Có thể kể đến các mô hình như: mô hình sản xuất nấm bào ngư, mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 7.070 ha, mô hình sản xuất rau an toàn…các mô hình này không chỉ được hình thành ở những vùng có điều kiện thuận lợi, mà còn lan tỏa đến cả những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa,… Qua đó, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, cần cù của nông dân trong khai thác, sử dụng có hiệu quả lợi thế về đất đai, nhân lực, tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất chăn nuôi.

Có thể thấy, xây dựng nông thôn mới hiện nay là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm vô cùng quan trọng của tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và của từng địa phương trong tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới là để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông thôn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời tạo ra bước đột phá mới để tiến đến xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng nông thôn.

                                                                                                            Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây