Giải quyết thủ tục hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thứ tư - 12/09/2018 09:00 90 0
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), diễn ra vào sáng 11.9.

Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Hội nghị đã được nghe một số tham luận về cách làm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước về giải pháp nâng cao chất lượng trong giải quyết TTHC.

Điển hình như tỉnh Quảng Ninh triển khai vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công theo phương thức “4 tại chỗ” hay còn gọi là nguyên tắc “4 tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công”; tỉnh Đồng Nai vận hành Tổng đài Dịch vụ công 1022; TP.Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, giúp giảm thời gian làm thủ tục từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày và giải pháp Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Quản lý đô thị trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Tại Bắc Ninh, Trung tâm hành chính công của tỉnh thực hiện thu phí tập trung bằng hình thức tự động in biên lai điện tử đã giảm được từ 7 đến 14 biên chế, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, cấp xã chỉ bố trí từ 1-2 biên chế thực hiện thu phí và lệ phí…

Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Cụ thể, đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh vào ngày 15.3.2018; triển khai hệ thống một cửa điện tử tập trung tại 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và cấp xã; xây dựng hệ thống camera giám sát bộ phận một cửa tại các cấp chính quyền; triển khai, thực hiện quy trình liên thông trong giải quyết TTHC giữa ngành Thuế và Tài nguyên - Môi trường.

Vừa qua, tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho khai thác mạng xã hội Zalo trong việc tiếp nhận, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công Tây Ninh.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra một số khó khăn trong giải quyết TTHC hiện nay, như việc chưa thống nhất giữa các phần mềm xử lý dữ liệu giữa bộ, ngành với địa phương, do đó cán bộ hành chính phải nhập dữ liệu hai lần; làm thế nào để người dân hưởng ứng thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã được cụ thể hóa thành các quy định và ngày càng hoàn thiện. Các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. 

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước ban hành ngay kế hoạch triển khai Nghị định 61, đồng thời đẩy mạnh triển khai dịch vụ công cấp độ 3, 4. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần bố trí trụ sở, trang thiết bị tại bộ phận một cửa các cấp đảm bảo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC.

Với những trường hợp quá hạn, các sở, ngành, địa phương phụ trách phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân làm quen trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây