Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng đã góp phần quan trọng giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân hàng năm trong giai đoạn này tăng 10,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.630 USD (năm 2010 là 1.357 USD). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa: nông – lâm – thủy sản 28%; công nghiệp - xây dựng 36%; dịch vụ 36%.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới. |
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, tỉnh phấn đấu đạt cơ cấu kinh tế như sau: lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 30-31%; công nghiệp - xây dựng 34-35%; dịch vụ 34-35%.
Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hằng năm 5,29%. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu.
Việc ứng dụng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất gia tăng. Doanh thu bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 93,1 triệu đồng/năm. Năng suất, chất lượng một số cây trồng được nâng lên, từng bước gắn với công nghiệp chế biến.
Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất VietGAP. Chăn nuôi được duy trì ở mức ổn định, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 15%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân hàng năm 12,58%. Tỷ trọng nuôi trồng thủy sản trong ngành nông – lâm – thủy sản đạt 1,86%.
Kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế. Công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt một số kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 17,7%, giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 20,1%/năm.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nhằm bảo đảm tính phù hợp, khả thi, khắc phục một bước tình trạng quy hoạch treo, tạo điều kiện ổn định sản xuất và cuộc sống của người dân.
Các khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung 3, KCN Chà Là cơ bản đã được lấp đầy trong giai đoạn 1; Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông – Bời Lời và KCN Thành Thành Công đã thu hút được một số dự án.
Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. |
Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm 23,4% (Nghị quyết tăng 20%). Điện lưới quốc gia được đầu tư rộng khắp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,52% (Nghị quyết 99,5%).
Hoạt động tài chính – tín dụng chuyển biến tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 đạt 25.428 tỷ đồng, tăng 25,3% so với Nghị quyết. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển được chú trọng, đầu tư trong và ngoài nước chuyển biến về chất.
Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt hơn 3,2 tỷ USD (Nghị quyết 3,2 tỷ USD). Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,7 tỷ USD, tăng cả về số lượng, quy mô dự án, vốn đầu tư và chất lượng công nghệ.
Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 2.185 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.705 tỷ đồng. Đến nay, Tây Ninh có 100 hợp tác xã, 1.800 tổ hợp tác với gần 60.000 tổ viên.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, Tỉnh ủy Tây Ninh nhấn mạnh, “tuy tăng trưởng nhưng chưa vững chắc”, trong đó còn 7/9 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt Nghị quyết.
Việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn chậm, nhất là việc xây dựng kế hoạch và tổ chức sắp xếp, tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có mặt hạn chế. Chưa có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ, vùng lúa chất lượng cao. Một số loại cây trồng chính phát triển không đúng định hướng quy hoạch.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ.
Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp được ban hành nhưng chưa phát huy hiệu quả đúng mức. Nông dân còn thiếu thông tin dự báo thị trường để định hướng phát triển sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chuyển dịch chậm, mới đạt 15% (Nghị quyết 20%). Một số mô hình trồng rừng thiếu sự tham gia tích cực của người dân nên kết quả chưa cao. Việc kêu gọi, thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa hiệu quả, đóng góp cho ngân sách thấp.
Thương mại, dịch vụ và triển khai đầu tư phát triển hai Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát còn nhiều khó khăn. Kinh tế cửa khẩu phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác xúc tiến thương mại – du lịch còn yếu, sản phẩm du lịch còn đơn điệu.
Các Khu du lịch núi Bà Đen, du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Thị trường xuất khẩu còn khó khăn, sản phẩm xuất khầu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát triển thiếu tính bền vững, chưa có doanh nghiệp mạnh trong một số lĩnh vực quan trọng để định hướng, dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn khó khăn, hiệu quả thấp. Thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa nhiều dự án lớn có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và dự án công nghệ cao.
Chương trình đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển (nguồn lực chỉ đáp ứng 29,8% nhu cầu). Công tác quy hoạch, phát triển đô thị còn hạn chế, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, phải thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung. Tình trạng “quy hoạch treo” chưa được khắc phục triệt để…
Theo BTNO