![]() |
Sau Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW về “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2007-2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Tây Ninh đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, thị xã đồng thời triển khai kế hoạch giai đoạn 2012-2017 đến chi, tổ Hội thông qua nhiều hoạt động cụ thể nhằm kéo giảm tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và hạn chế tình trạng người Việt sang Campuchia đánh bạc, trong đó có phụ nữ.
Tây Ninh là một tỉnh nông thôn- biên giới có đường biên dài 240km, giáp 2 tỉnh Svay Riêng, Kompongcham của Vương quốc Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát cùng nhiều đường tiểu ngạch nối liền với Vương quốc Campuchia, địa hình bằng phẳng thuận lợi cho hoạt động thương mại và giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia. Do đời sống kinh tế còn khó khăn, điều kiện tiếp cận các kênh truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức trong các lĩnh vực, đặc biệt là kiến thức pháp luật để có biện pháp quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy, đá gà, mại dâm, đua xe... vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên tuyến biên giới Mộc Bài và Xa Mát, phía nước bạn Campuchia có 9 casino, 4 trường gà và nhiều vũ trường, khách sạn... hoạt động khá phức tạp. Những điểm giải trí này do đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của người dân nên hàng năm thu hút hàng trăm người Việt Nam từ mọi tỉnh, thành tham gia, nhất là ở các tỉnh giáp biên giới, trong đó có Tây Ninh.
Qua một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an giai đoạn 2012-2017, Hội LHPN các cấp phối hợp Công an cùng cấp tổ chức hiệu quả các chương trình của Chính phủ và chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh bằng các hình thức như nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ, hội thi, diễn kịch, sinh hoạt tổ/nhóm/câu lạc bộ tuyên truyền Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Nghị quyết 07/BCHTW của Trung ương Hội về “Một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và em gái”; Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; mô hình “Phụ nữ với xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phẩm chất đạo đức phục nữ Việt Nam “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”; những hậu quả, tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội, biện pháp ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong cộng đồng; tuyên truyền về quy chế biên giới, chống xâm canh, xâm cư, buôn lậu... Bằng những hình thức trên, Hội LHPN đã làm tốt vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức của các tầng lớp phụ nữ về vai trò quan trọng của gia đình trong giáo dục con cái có sự chuyển biến, từ đó, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống và tố giác tội phạm ở cộng đồng, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2012, được sự hỗ trợ của tổ chức Di cư quốc tế thực hiện dự án “Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực” và dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực”, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chọn Hội LHPN 3 huyện Tân Biên, Châu Thành và Gò Dầu thành lập 3 nhóm tự lực (30 thành viên) là những nạn nhân vị mua bán và hỗ trợ vốn cho các thành viên tham gia để chăn nuôi, sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái trở thành nạn nhân bị mua bán. Đến nay, dự án đã hỗ trợ 3 nhóm với tổng số tiền 219 triệu đồng, tiếp nhận 16 nạn nhân bị mua bán trở về, mỗi nạn nhân được hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng/nạn nhân. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công an rà soát, nắm danh sách và tuyên truyền, giáo dục 24 phụ nữ tham gia đánh bạc tại các casino ở Campuchia và tại địa phương; lập hồ sơ quản lý 28 trẻ em vi phạm pháp luật; tham gia giám hộ 6 nhóm thanh thiếu niên có hành vi đánh người; duy trì và nâng cao chất hoạt động các mô hình liên quan phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, như tổ “Phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật”; tổ “Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình”; “Chi hội không có con em bỏ học; câu lạc bộ “4 giảm”, và câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”... Ngoài ra, trong năm 2013, Hội LHPN còn vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ xây tặng 92 Mái ấm tình thương và sửa chữa 04 căn nhà cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện xây nhà với tổng kinh phí 2.576 triệu đồng; trao tặng 1.333 suất học bổng Trần Thị Sanh cho nữ học sinh, sinh viên nghèo học giỏi cùng 5.960 quyển tập, 70 xe đạp, 939 phần quà; phối hợp câu lạc bộ Phụ nữ từ thiện tổ chức trao bò sinh sản ; xét cho vay, tổ chức dạy nghề, tập huấn, chuyển giao công nghệ, giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ vào làm tại các công ty, xí nghiệp trong tỉnh. Các hoạt động trên đã góp phần tăng thu nhập, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và vướng vào các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ben cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW giữa hai ngành đôi lúc chưa thường xuyên, công tác triển khai, thực hiện chưa đồng bộ, nhất là ở cấp cơ sở đã làm cho chất lượng hoạt động của các mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư” và “Liên kết phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật ở cơ sở” tại một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Đối với nhiều gia đình ở vùng nông thôn, biên giới chưa được quan tâm đúng mức do đời sống kinh tế của họ khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống, mặt khác, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp phụ nữ, việc quản lý các nhóm phụ nữ có nguy cơ, phụ nữ tham gia đánh bạc ở một số cơ sở chưa kịp thời, thiếu chủ động xử lý khi có vấn đề tư tưởng nảy sinh... Chính vì vậy, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp ban, ngành các cấp đẩy mạnh đầu tư nguồn lực thực hiện công tác truyền thông, phát huy hoạt động của các tổ, mô hình có hiệu quả, nâng cao nhận thức về pháp luật, tác hại, hậu quả của tệ nạn xã hội, đồng thời tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và kiểm soát chặt chẽ qua lại trên tuyến biên giới, hạn chế tình trạng người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tâm Giang