Hướng đến kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Thắng lợi của Cách mạng Tháng tám không phải là một “sự ăn may”

Thứ tư - 09/08/2017 15:00 291 0
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam - là một trong những sự kiện trọng đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.

​Đó là một thắng lợi mà “chẳng những giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” . Thiết nghĩ, tầm vóc, giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là điều đã quá rõ ràng.

anmay.jpg

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Thế nhưng, đáng tiếc là, đây đó vẫn có những cái nhìn phiến diện, sai lầm khi cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công chỉ là một “sự ăn may”. Họ lập luận rằng, kể từ sau ngày 09/3/1945 khi phát xít Nhật đảo chính Pháp, toàn cõi Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng đã không còn là thuộc địa của Pháp, mà trở thành thuộc địa của Nhật. Đến giữa tháng 8/1945, quân đội phát xít Nhật bị Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh đánh bại, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tình thế này đã tạo nên một “khoảng trống quyền lực” ở Việt Nam, do vậy chỉ cần một cuộc cách mạng nổ ra là sẽ giành thắng lợi. Từ cách nhìn chủ quan như vậy, họ đi đến kết luận rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực ra không phải là một sự kiện long trời lở đất gì ghê gớm như được tuyên truyền bấy lâu nay, mà đơn giản đó “chỉ là một sự ăn may”, do Việt Minh nhanh tay chớp lấy thời cơ mà có được chính quyền. Cách lập luận hằn học, phiến diện như trên là sự xuyên tạc trắng trợn lịch sử, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp sức mạnh của quần chúng, từ đó phủ nhận thành quả cách mạng to lớn của cả dân tộc.

Đúng là, việc phát xít Nhật bị quân Đồng minh đánh bại tháng 8/1945 đã tạo ra một “thời cơ vàng” có một không hai để dân tộc Việt Nam đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Lúc bấy giờ, 100.000 quân Nhật ở Việt Nam dù được trang bị đầy đủ vũ khí nhưng tinh thần chiến đấu đã suy sụp như rắn mất đầu, chỉ chờ Đồng minh vào giải giáp. Chính quyền bù nhìn Bảo Đại-Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên từ tháng 4/1945 ngày càng bị cô lập và tê liệt, tựa như “ dây leo giàn mục, chực đổ vì gió lớn”. Các lực lượng Đồng minh như quân Tàu-Tưởng, liên quân Anh-Pháp theo thoả thuận sẽ vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật thì vẫn chưa đến. Những diễn biến mau lẹ này là cơ hội “ngàn năm có một” cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra và giành thắng lợi. Tuy nhiên, nếu đơn giản cho rằng, ở vào thời điểm đó, nếu nổ ra bất kỳ cuộc cách mạng nào thì cũng đều thành công, là suy luận hoàn toàn sai lầm và khiên cưỡng. Độc lập, tự do - với tư cách những giá trị cao quý nhất của một dân tộc - không phải là món quà bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này: “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập” .

Thực tế lịch sử cho thấy, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, nhiều tổ chức chính trị, đảng phái ở Việt Nam lúc ấy đã ráo riết vận động, chạy đua để tranh giành địa vị chính trị thuận lợi cho mình. Nhưng tất cả đều không thành công. Chỉ duy nhất có Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị công phu, chu đáo về mọi mặt trong suốt 15 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh (1930-1945). Đặc biệt, từ rất sớm (tháng 5/1941), trên cơ sở phán đoán thời cơ khởi nghĩa giành độc lập dân tộc đang đến rất gần, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này là giải phóng dân tộc:  “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” .

Thực hiện đường lối cách mạng trên, Đảng đã sớm xúc tiến xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở nhiều nơi, coi đó là một bộ phận quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân. Trong số đó, Việt Bắc là căn cứ địa hoàn chỉnh, được ví như “hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam”. Các căn cứ địa này là nơi cung cấp sức người, sức của cho cách mạng; nơi đóng quân của lực lượng cách mạng, cũng là nơi xuất phát để đánh địch. Đây chính là bước “tạo thế” quan trọng đảm bảo cho Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi.

Để làm chỗ dựa cho cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo xây dựng lực lượng. Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Với phương thức tổ chức đa dạng, phong phú, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp hầu hết các giai cấp, tầng lớp nhân dân đứng vào hàng ngũ của mình, tạo thành một lực lượng cách mạng hùng hậu, thực sự là một “đạo quân chính trị” đi theo Đảng, cùng với Đảng làm cách mạng. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập, trở thành lực lượng đi đầu trong đấu tranh vũ trang và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên ngay khi tình thế cách mạng xuất hiện, Đảng ta đã kịp thời phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, trong đó nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” . Lãnh tụ Hồ Chí Minh, dù đang ốm nặng giữa rừng Tân Trào, nhưng Người vẫn đưa ra lời hiệu triệu: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập” . Theo tiếng gọi của Đảng, của Hồ Chí Minh, cả dân tộc triệu người như một nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước: “Bắc - Trung - Nam khắp ba miền/ Toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền về ta”. Do chọn đúng thời cơ nên sức mạnh của toàn dân được nhân lên gấp bội. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã thành công, chúng ta đã giành chính quyền trong cả nước.

Những thực tiễn lịch sử trên cho thấy: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó còn là thành quả tất yếu chủ yếu của sự chuẩn bị chu đáo về xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của việc dự đoán chính xác về thời cơ và chớp lấy thời cơ để phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền… Ở đây, hoàn toàn không có chuyện ngồi yên trông mong, chờ đợi vào một “khoảng trống quyền lực” hay một “khoảng chân không chính trị” nào đó để có được tự do, độc lập như một số ý kiến hồ đồ, thiển cận cố tình quy chụp, suy diễn.

Nguyễn Quang Thắng

 (Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác tuyên giáo)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây