Hạnh phúc của người thương binh

Thứ tư - 26/07/2017 09:00 94 0
Đó là câu chuyện về người thương binh 4/4 tên Phạm Văn Cực mà nhiều người quen ở ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng vẫn quen gọi là ông Sáu, chú Sáu Cực.

Hạnh phúc của người thương binh

Chú Sáu Cực (ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa.

Ông Sáu Cực từng là Đại đội trưởng Đại đội 54 Trảng Bàng. Mới đó mà đã 50 năm, kể từ ngày ông bắt đầu tham gia kháng chiến. Năm 20 tuổi nhập ngũ, anh thanh niên Phạm Văn Cực tham gia vào Đại đội 54 Trảng Bàng và những ngày tháng sau đó đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Nhớ chuyện cũ, ông kể rằng: có những trận đánh mà tương quan lực lượng 2 bên không cân sức, bởi ta ít, địch nhiều; địch cũng được trang bị vũ khí đầy đủ hơn ta. Ấy vậy mà bằng mưu trí, sự dũng cảm, ta biết áp dụng chiến thuật đánh nhanh rút gọn, không để địch kịp trở tay nên có những lần chỉ 3 chiến sĩ cách mạng cũng diệt được cả một trung đội địch.

Qua những trận đánh quyết liệt, trên người ông lại hằn thêm những vết thương. Có vết trên cổ, trên chân, có vết ở ngay ngực trái do mảnh đạn ghim vào, chỉ cách tim vài ly. May mắn thoát chết nhưng những di chứng do vết thương để lại đã theo ông Sáu Cực cho đến tận bây giờ.

Hoà bình lập lại, Đại đội trưởng Phạm Văn Cực được điều về làm Huyện đội trưởng Huyện đội Trảng Bàng, rồi chuyển về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trách công tác tham mưu. Sau đó, ông được đưa sang Campuchia để làm nhiệm vụ của một chuyên gia quân sự, hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước bạn. Sau 3 năm, ông trở về nước, làm Huyện đội trưởng Huyện đội Bến Cầu cho đến khi về hưu.

Trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở cương vị nào, ông Sáu Cực cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cùng nhiều huân, huy chương và bằng khen khác.

Về hưu, ông Sáu Cực cùng với vợ lo kinh tế gia đình. Từ 1 ha đất đã có, vợ chồng ông cần mẫn làm lụng để nuôi 6 người con ăn học. Chắt chiu tích luỹ, đến nay, ông bà đã có trong tay 2 mẫu đất, hơn 800 gốc cao su và đàn bò 7 con, thu nhập trung bình hơn 170 triệu đồng/năm.

Cuộc sống gia đình đã ổn định, con cái đã lớn khôn, thế nhưng ông Sáu Cực vẫn còn… cực trí bởi một nỗi lo nghĩ mà có lẽ chỉ khi nào nằm xuống ông mới thôi đau đáu. Đó là nỗi xót xa về những đồng đội đã ngã xuống mà hài cốt vẫn còn đâu đó, chưa được quy tập trở về để được gần gũi với gia đình, người thân. Đó cũng là nỗi trăn trở trước những đồng đội còn sống nhưng đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn.   

“Sau khi về hưu, tôi tự nguyện làm Trưởng ban Liên lạc lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ để làm cầu nối, tìm kiếm, thăm hỏi những đồng đội năm xưa. Nhưng điều khiến tôi nghĩ ngợi nhiều nhất vẫn là làm sao tìm được hài cốt của những anh em đã nằm xuống”- ông Sáu Cực chia sẻ.

Nay đã ngoài 70 tuổi, ông Sáu Cực vẫn tích cực hỗ trợ Nhà nước và gia đình liệt sĩ tìm lại hài cốt các đồng đội năm xưa của ông. Ông tự nguyện đóng góp, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân cùng gây quỹ để xây tặng nhà cho những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức gặp mặt đồng đội; thường xuyên thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh nhân dịp lễ, tết hoặc các trường hợp bị ốm đau, tang tế…

Tham gia làm đường giao thông nông thôn, ông Sáu Cực thường đi đầu trong việc vận động người dân đóng góp ủng hộ công trình. Trong những buổi nói chuyện lịch sử với thanh niên nhân đợt tuyển quân ở địa phương, ông Sáu Cực cũng luôn có mặt để giúp lớp trẻ hôm nay hiểu thêm về ý nghĩa, giá trị của hoà bình, độc lập dân tộc- điều thiêng liêng quý giá mà tuổi trẻ chính là lực lượng đi đầu để bảo vệ, gìn giữ.

Đã hưu nhưng chừng như ông Sáu Cực chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bởi với ông- một người lính Cụ Hồ thì được làm, được cống hiến cho quê hương chính là hạnh phúc.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây