Hiện nay con người đang tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất nhanh hơn rất nhiều lần so với khả năng mà con người có thể tái tạo được. Con người đang tàn phá môi trường sống của tất cả các loài động, thực vật và thậm chí giết hại chúng vì mục đích lợi nhuận cá nhân như: lấy da, lông, sừng, ngà, mật, và thịt…do đó, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đã bị giết hại và dần biến mất trong tự nhiên. như: voi, hổ, báo, tê giác, hươu, nai, các loài chim quý,…
Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện thiên nhiên vô cùng ưu đãi, có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, thế nhưng nguồn tài nguyên quý này đang bị đe dọa và sụt giảm nghiêm trọng bởi sự tàn phá, giết hại vô ý thức của con người.
Nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các loài động, thực vật hoang dã. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chỉ thị số 03/CT- TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, Công văn số 5780/BTNMT-TCMT ngày 29/12/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật và tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ và sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp,…
Tuy nhiên, sự nhận thức về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã của người dân còn hạn chế, hầu hết cho rằng việc săn bắt là trái pháp luật nhưng tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã thì không vi phạm. Hiện nay, do trên thị trường luôn có nhu cầu tiêu thụ nên việc săn bắt động vật hoang dã vẫn luôn tồn tại và tiếp diễn.
Trước thực trạng buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang diễn ra tại các địa phương trong nước. Các cơ quan chức năng, cộng đồng và mọi người cần phải có ngay những hành động cụ thể và kiên quyết góp phần ngăn chặn tình trạng trên.
Các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Phát hiện, tố giác và xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Thống nhất nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trong cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân và mỗi người dân.
Tăng cường phối hợp liên ngành bao gồm: Bộ đội biên phòng, Công an, Cục hải quan, Chi cục kiểm lâm, Chi cục quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp.
Đối với mỗi người chúng ta việc đơn giản nhất là nói không với buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và sử dụng các sản phẩm làm từ động vật hoang dã. Kêu gọi mọi người cùng sử dụng các sản phẩm thay thế nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã trong tự nhiên khỏi nguy cơ tiệt chủng.
Cát Tường