Hiệu quả mang lại từ sau 5 năm triển khai thực hiện xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao

Thứ ba - 21/04/2015 11:00 177 0
Thực hiện kế hoạch xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh. Với tổng vốn đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội được huy động từ các nguồn lực ngoài ngân sách là 148,889 tỷ đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực.

benh vien LNT.jpg

Bệnh viện đa khoa Lê Ngọc Tùng là một trong những dự án thu hút thực hiện từ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

Trong lĩnh vực giáo dục đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện xã hội hóa giáo dục. Nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục và xã hội hóa giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, môi trường giáo dục đã có những khởi sắc đáng kể. Các hình thức học tập đã được đa dạng hóa và mang lại cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trong đó, tỉnh thu hút được 02 dự án với tổng vốn đăng ký là 116,29 tỷ đồng. Hệ thống trường ngoài công lập có 01 trường phổ thông nhiều cấp học (cấp 1, 2 và 3); 95 trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng; 78 cơ sở mầm non tư thục (gồm 09 trường và 69 cơ sở) và 11 trung tâm ngoại ngữ tin đang hoạt động.

Trong lĩnh vực dạy nghề, xã hội hóa đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, nghề nghiệp của đội ngũ lao động trong tỉnh, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề. Hình thành được mạng lưới dạy nghề đa dạng, phong phú, giúp cho người lao động có cơ hội lựa chọn nghề thích hợp, tự tạo việc làm và tìm việc trong các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Có 6 cơ sở dạy nghề được thành lập mới, tăng 50% so với cùng kỳ, gồm: 04 cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề và 02 cơ sở dạy nghề ngoài công lập có báo cáo thực trạng đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho 59.494 học viên, chiếm 67,47% tổng số lao động được đào tạo. Trong đó, lao động nông thôn đào tạo được 4.719 học viên, chiếm tỷ lệ 20% số lao động nông thôn được đào tạo.

Trong lĩnh vực y tế, hệ thống cơ sở y tế ngoài công lập được sự quan tâm đầu tư của xã hội, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho các tuyến cơ sở, góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, vai trò của y tế tư nhân được khẳng định về mặt pháp lý, được khuyến khích phát triển bằng một số giải pháp kinh tế- tài chính cụ thể; công tác vận động xã hội hóa các hoạt động y tế đạt được nhiều kết quả hơn, mạng lưới phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn GPP phủ khắp các huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2015 thu hút được 1 phòng khám đa khoa tư nhân và 1 bệnh viện đa khoa tư nhân. Luỹ kế, trên địa bàn tỉnh có 2 phòng khám đa khoa tư nhân và 2 bệnh viện đa khoa tư nhân đang hoạt động. Toàn tỉnh đã cấp 3.047.867 thẻ BHYT cho người dân, so với cùng kỳ tăng 54%; Thu hút được tổng kinh phí từ nguồn quỹ từ thiện cho các hoạt động xã hội từ thiện trong khám chữa, bệnh cho gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu; mổ mắt, mổ tim bẩm sinh. Ngoài ra, còn có các bếp ăn từ thiện để phục vụ cho người nghèo tại các bệnh viện trong tỉnh; Trung tâm chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, hoạt động thể dục thể thao ngoài công lập với nhiều loại hình hoạt động phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Một số cơ sở thể dục thể thao công lập được chuyển sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ (Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh), góp phần đa dạng hóa các loại hình thể thao trên địa bàn tỉnh.

Đạt được những kết quả trên phần lớn là do chủ trương xã hội hóa của Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ, xác định mục tiêu và giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xã hội hóa ngày càng được cụ thể hóa, đồng bộ hơn, dễ vận dụng và phù hợp với thực tiễn hơn nên đã thu hút một số các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đầu tư trong lĩnh vực này.

Mặt khác, sự quan tâm của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã tạo được những chuyển biến trong lĩnh vực xã hội hóa; Sự quan tâm, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Trung ương trong lĩnh vực xã hội hóa của người dân. Nhận thức về xã hội hóa trong cán bộ và nhân dân có sự chuyển biến; đã phát huy được tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp, bổ sung nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa xã hội.

Thành Đặng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây