Hiệu quả từ đê bao tiểu vùng

Thứ ba - 15/01/2013 00:00 259 0
Đê bao tiểu vùng kết hợp giao thông nội đồng đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực của nó trong vai trò ngăn lũ, thâm canh sản xuất từ 1 vụ lên 3 vụ lúa mỗi năm. Mặt khác, trước đây một số khu vực không thể đi lại vào mùa lũ, nhưng giờ đây khi lũ về, bà con- nhất là học sinh có thể đi lại thuận lợi, an toàn bằng các phương tiện giao thông ngay trên đường bờ đê bao.

 

Học sinh đến trường thuận lợi hơn trên chiếc xe đạp thay ghe, đây là tuyến đê bao tại ấp Phước Giang, xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng.

 

Nhiều năm trước đây, khi mùa lũ về là người dân xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không chỉ sản xuất, sinh hoạt bị hạn chế mà học sinh đến trường tìm con chữ cũng rất gian nan- đặc biệt là các em sống ở các ấp ven sông. Tuy nhiên, từ khi có chính sách xây dựng đê bao tiểu vùng, nhân dân khu vực này phấn khởi. Với 7 đê bao được xây dựng ở 5 ấp đã bảo vệ an toàn cho 518,5 ha lúa và 254 hộ gia đình trong mùa lũ. Có đê bao, bà con chủ động được thời vụ, tăng số vòng quay đất sản xuất, đồng thời đường giao thông nội đồng xây dựng kèm đê bao giúp bà con di chuyển thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Phúc Nhiên- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ phấn khởi nói: Thời gian trước vào mùa lũ mà anh chị đến đây thì sẽ thấy toàn là nước ngập, bà con muốn đến UBND xã hay đi chợ, học sinh đến trường đều rất khó khăn. Từ khi có đê bao, chuyện đi lại thuận lợi hơn, các phương tiện giao thông xuất hiện ngày càng nhiều. Điều quan trọng nữa là nhờ có đê bao mà tăng được vụ sản xuất lúa, năng suất cũng khá hơn, góp phần không nhỏ nâng cao cuộc sống của bà con trong xã. Bởi vì đê bao không chỉ ngăn lũ mà còn giúp nông dân chủ động được sản xuất. Bên cạnh đó, người dân còn có thể phát triển nghề nuôi cá, nuôi vịt giúp tăng kinh tế.

Ngoài xã Phước Chỉ, một trong những xã thấy rõ hiệu quả từ đê bao là xã Phước Lưu. Một hộ nông dân sống trong khu vực đê bao tâm sự: “Lúc trước chưa có đê bao gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải đi men theo đường bờ mới ra được đường lớn, mất rất nhiều thời gian. Còn vào mùa lũ thì di chuyển càng khó khăn hơn, phải dùng ghe. Giờ đây khi có đê bao gia đình tôi có thể đi lại thuận lợi và nhanh hơn khi di chuyển bằng xe máy…”.

Ông Lê Văn Em- Chủ tịch UBND xã Phước Lưu cho biết: Xã Phước Lưu có 3 tuyến đê bao với tổng chiều dài là 11,5 km, trải dài qua 3 ấp, bảo vệ 150 ha lúa, trong đó có 96 hộ hưởng lợi từ đê bao. Việc xây dựng đê bao kết hợp với giao thông nội đồng đã đem lại nhiều thuận lợi, nhất là việc di chuyển của bà con, tạo điều kiện cho bà con ở các ấp gần gũi với nhau hơn. Hiện nay, có nhiều địa phương có chính sách xây dựng đê bao để giúp nông dân sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Ông Lê Hoàng Cưu- Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết, đã lên dự định sẽ xây dựng đê bao ở ấp Voi, với tổng diện tích bảo vệ là 120 ha và 70 hộ dân được hưởng lợi.

Như vậy, đê bao ngăn lũ đã cho thấy được hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là để có được những tuyến đê bao trên có phần đóng góp không nhỏ từ sức dân như tự nguyện hiến đất, cùng nhau góp tiền mua đá rải trên mặt đê… Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương băn khoăn là các tuyến đê bao theo thời gian bị xuống cấp, hư hỏng, cần có chính sách đầu tư bê tông hoá để nâng cao độ bền của các tuyến đê bao.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây