Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống mua bán người

Thứ năm - 06/11/2014 00:00 100 0
Trước tình trạng nạn mua bán người ngày càng gây bức xúc đối với xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Điều này thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh… góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người.

 

 

Về thi hành pháp luật, theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/CP, từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 115.675 công dân Việt Nam (nữ chiếm 92,01%) kết hôn với công dân của trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó chủ yếu với công dân Đài Loan và Trung Quốc (đại lục), Hàn Quốc, Mỹ, các quốc gia Châu Âu. Liên quan đến vấn đề này, đã xuất hiện tình trạng mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép (có 489 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân, chiếm 16,65% tổng số vụ mua bán người). Tội phạm mua bán người xảy ra hầu hết trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, trong đó gần 90% là mua bán người ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc), trên 10% là mua bán trong nội địa. Lực lượng Công an, Biên phòng đã phối hợp các ngành liên quan điều tra, bắt 1.040 đối tượng (chiếm 22,57%),  giải cứu 1.116 nạn nhân bị lừa bán (chiếm 19,06%). Riêng 17 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam, các ngành chức năng đã phát hiện 150 vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 457 đối tượng tham gia, lừa bán 1.496 nạn nhân. Trong đó, môi giới hôn nhân trái phép là 98 vụ, 207 đối tượng, 510 nạn nhân; tổ chức xem mặt chọn vợ: 52 vụ, 250 đối tượng, 986 phụ nữ. Trước thực trạng này,  nhằm phòng ngừa tệ mua bán người, trong những năm qua Nhà nước ta đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội; các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng; biện pháp phục hồi, hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tội phạm...

Về phương diện hợp tác quốc tế, chúng ta đã tăng cường phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan và các tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng, chống buôn bán người (UNIAP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), … để triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phòng, chống buôn bán người. Chính phủ cũng đã ký kết Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người với Campuchia (năm 2005), Thái Lan (năm 2008), ký kết Bản ghi nhớ lần 2 với Trung Quốc về hợp tác phòng, chống buôn bán người. Mặc dù vậy, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp.

Qua thống kê cho thấy, nạn nhân thường là những phụ nữ đang trong độ tuổi kết hôn sống tại các vùng nông thôn nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt… Mặt khác, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người…

Một điều phải bàn đến là công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, nhất là đối với việc quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về còn nhiều lúng túng và bị động. Việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nên rất khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác này. Đặc biệt là việc thực hiện nội dung phòng, chống mua bán người được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011- 2015 dựa trên quan điểm chỉ đạo thể chế hoá chủ trương “Hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm theo hướng xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật là nòng cốt, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm”; Luật hoá các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, đồng thời tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây