Hoạt động của đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Góp ý Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ sáu - 14/11/2014 00:00 52 0
Thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hôm 11.11, ĐBQH Lê Minh Trọng (Tây Ninh) nhận định, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển giáo dục hiện nay của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới ban hành.

 

ĐBQH Lê Minh Trọng phát biểu góp ý Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Đồng thời, đại biểu Trọng đề nghị nghị quyết mới của Quốc hội cần làm rõ những nội dung mới (so với Nghị quyết số 40/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành.

Xác định mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.

Về chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất;  ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận xét, chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường, cũng như khả năng tiếp thu của học sinh.

Mặt khác việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp đối với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập.

Vì vậy, ĐB Tâm đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hoá và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Về định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hoá, theo ĐBQH Lê Minh Trọng, thời gian qua việc dạy học tích hợp chủ yếu mới chỉ được thực hiện ở cấp tiểu học, còn ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông thì mới bước đầu được triển khai ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán, hiệu quả dạy học còn hạn chế.

Thực tiễn cũng cho thấy hình thức phân ban đã không thành công, vì vậy Đại biểu Trọng cho rằng định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hoá sâu ở cấp trung học phổ thông.

Ông Trọng còn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các giải pháp khắc phục sự thay đổi cơ cấu môn học và đội ngũ giáo viên phát sinh khi dạy học tích hợp mạnh và đáp ứng sự gia tăng yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên và năng lực cán bộ quản lý… đồng thời trình bày cụ thể hơn về mức độ, hình thức và phương án dạy học tích hợp, phân hoá đối với từng cấp học, lớp học…

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây