Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Chính phủ cần quan tâm phân bổ ngân sách Nhà nước cho các địa phương hợp lý hơn

Thứ bảy - 24/10/2015 10:00 28 0
Trong từng giai đoạn cụ thể, Chính phủ quan tâm hơn việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho các địa phương hợp lý hơn, nhất là các địa phương có đường biên giới giáp các nước bạn Campuchia. Chính phủ xem lại các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vì nhiều tiêu chí đầu tư xây dựng không hợp lý, gây lãng phí rất lớn như việc xây chợ, nhà văn hoá, trường đạt chuẩn quốc gia...

 

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Chiều ngày 22.10.2015, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước (bao gồm việc cho phép đa dạng hoá kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội còn thảo luận về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Đối với các nội dung trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh đồng tình với đánh giá của Chính phủ về chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng được hoàn thiện với tầm nhìn tổng thể, dài hạn.

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, tạo diện mạo mới cho đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn.

Huy động nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước còn hạn chế. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ xem xét lại nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, không nên phân bổ bình quân cho các đơn vị mà nên giao cho một đơn vị quản lý; xem lại công tác quy hoạch- nhất là quy hoạch chung gắn với quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đất đai; đề nghị Quốc hội sớm xem xét để thông qua Luật về quy hoạch.

Trong từng giai đoạn cụ thể, Chính phủ quan tâm hơn việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho các địa phương hợp lý hơn, nhất là các địa phương có đường biên giới giáp các nước bạn Campuchia. Chính phủ xem lại các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vì nhiều tiêu chí đầu tư xây dựng không hợp lý, gây lãng phí rất lớn như việc xây chợ, nhà văn hoá, trường đạt chuẩn quốc gia...;

Xem lại việc nguồn vốn vay đầu tư xây hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông; Chính phủ cần giải trình rõ nguyên nhân của việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

 ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến.

Về vấn đề nợ công, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến - Tây Ninh đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải trình rõ ràng, nghiêm túc hơn việc đề nghị của Chính phủ cho phép đa dạng hoá kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; giải trình rõ hơn việc bán các doanh nghiệp để trả nợ, nguyên nhân của việc nguồn thu giảm, lấy vốn ngắn hạn trả nợ nợ dài hạn...

Chính phủ xem lại quy định tiêu chí cụ thể trong việc đầu tư công các công trình, dự án cụ thể; đại biểu Tiến đề nghị nên đưa ra tiêu chí hiệu quả, chất lượng của nguồn vốn đầu tư công trình, dự án để tránh lãng phí. Quốc hội tăng cường giám sát đầu tư công và nợ công để hạn chế thấp nhất việc thất thoát do lãng phí, tham nhũng.

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây