Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội Tránh tình trạng “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”

Thứ sáu - 03/11/2017 16:00 99 0
Đó là ý kiến đóng góp của ĐBQH Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại phiên thảo luận về tình hình phát triển KT-XH năm 2017. Đại biểu Phương nhận định điểm nổi bật trong thành tựu của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,7% GDP; cả 13 chỉ tiêu KT-XH được Quốc hội giao sẽ hoàn thành, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tránh tình trạng “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu trong phiên họp tại hội trường.

Điều đó, khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ và khá toàn diện của nền kinh tế nước ta, nhất là về xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp chế biến; kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định và có chiều hướng bền vững, thể hiện tập trung nhất ở mức tăng trưởng cao và lạm phát ở mức cho phép, trong khi một số mặt hàng đã và đang được điều chỉnh sát với giá thị trường.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao. Cơ cấu đầu tư đã và đang dịch chuyển mạnh vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có những chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất, các loại sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, thời gian qua các động lực tăng trưởng chưa phát huy mạnh, thể hiện ở chỗ, để đạt được mức tăng trưởng 6,7% GDP thì đầu tư toàn xã hội phải đạt đến mức khá cao (33,42% GDP). Chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm- NV) tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao (6,27), điều đó nói lên mức thâm dụng vốn còn khá lớn, hiệu quả sử dụng vốn thấp.

Nhập siêu tuy không cao nhưng vẫn còn, điều đó cho thấy một phần động lực xuất khẩu đối với tăng trưởng vẫn còn hạn chế. Tiêu dùng nội địa chưa ảnh hưởng nhiều đối với tăng trưởng, do thu nhập bình quân thấp và tâm lý ưa dùng hàng ngoại nhập. Về chất lượng tăng trưởng, dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đó là: tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn; năng suất lao động chưa tăng nhiều; mô hình tăng trưởng lấy chiều sâu làm hướng chủ đạo chưa rõ nét.

Về các yếu tố bảo đảm cho tăng trưởng bền vững, đại biểu Phương nhận định vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm là: việc cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước chậm, không đạt tiến độ đề ra và vẫn còn nhiều điều tiếng trong dư luận; về mở rộng tăng trưởng tín dụng, nếu nguồn vốn không được kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi tình hình nợ xấu đang khá phức tạp; môi trường sinh thái vẫn trong tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro; hiệu quả đầu tư công thấp, chi thường xuyên ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn đến chi đầu tư phát triển; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp… ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Tham gia ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, đại biểu Huỳnh Thanh Phương thống nhất tán thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 6,7% GDP, và cho rằng với mức tăng trưởng này, nền kinh tế có điều kiện để củng cố, tăng cường hơn nữa về chất lượng tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu đề ra cho năm 2018, đại biểu Phương đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như sau:

Dù không coi nhẹ động lực tăng trưởng dựa vào vốn, song cần phải hướng mạnh vào động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo đó, cần tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao niềm tự hào dân tộc của người tiêu dùng đối với hàng nội địa; đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thật sự tạo ra niềm tin đối với người tiêu dùng; làm cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự có chiều sâu.

Hoàn thiện sâu hơn về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,  theo hướng tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm cho doanh nghiệp Nhà nước, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế, song phải thật sự nắm giữ vai trò chỉ huy về kinh tế và công nghệ, đủ sức dẫn dắt nền kinh tế nước ta; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp mang tính tập trung, có điều kiện ứng dụng công nghệ cao, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và giá trị nông sản; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm cho kinh tế tư nhân thật sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; tạo lập cơ chế, môi trường KT-XH phù hợp nhằm phát huy mạnh mẽ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thu hút vốn và công nghệ tiên tiến; tích cực ngăn chặn tình trạng lợi dụng sơ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào nước ta và luồn lách luật pháp, quy định của ta đối với đầu tư nước ngoài.

Nâng cao năng lực dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu, cần có giải pháp căn cơ, chủ động, hiệu quả để hạn chế rủi ro, thiệt hại. Có biện pháp đủ mạnh đối với các sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến môi trường sinh thái, làm cho tình hình biến đổi khí hậu ngày càng thêm phức tạp, đe doạ nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống nhân dân.

Cuối cùng, về việc đẩy mạnh tinh gọn bộ máy; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương từ Trung ương đến cơ sở, đại biểu Phương nhấn mạnh: cần tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên quyết liệt, dưới thờ ơ” nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy đổi mới, phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây