Huyện Trảng Bàng: Thực hiện thí điểm mô hình trồng ớt trong nhà lưới

Thứ ba - 01/11/2016 10:00 92 0
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trảng Bàng phối hợp với đơn vị chức năng tư vấn cho một hộ nông dân ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng thực hiện mô hình thí điểm trồng ớt trong nhà lưới để xuất khẩu.

Thạc sĩ Trương Tấn Đạt- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng (bên trái) trao đổi với nông dân về cách trồng ớt trong nhà lưới.

Những năm qua, hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trồng ớt theo kiểu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phần lớn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, gặp thời tiết thuận lợi thì được mùa, khi thời tiết bất thường thì thất bát, cộng thêm giá ớt lên xuống thất thường nên thu nhập của nông dân rất bấp bênh.

Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trảng Bàng phối hợp với đơn vị chức năng tư vấn cho một hộ nông dân ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng thực hiện mô hình thí điểm trồng ớt trong nhà lưới để xuất khẩu. Ớt trồng trong mô hình này được Công ty TNHH trái cây lạ Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm suốt vụ, với giá ổn định là 30.000 đồng/kg ớt tươi.

Thạc sĩ Trương Tấn Đạt- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trảng Bàng cho biết, hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình là anh Trương Minh Mẫn, với diện tích 40 cao (4.000m2). Xây dựng nhà lưới với trụ bằng thép cao 3 mét (chôn 0,5 mét, còn lại 2,5 mét). Khoảng cách trồng trụ là 6 mét x 3 mét. Lưới được phủ kín xung quanh toàn bộ diện tích đất trồng và phía bên trên. Giống ớt được trồng thử nghiệm gồm 3 loại: sao phương nam, mùa bội thu và én vàng, để từ đó chọn ra giống thích hợp nhất.

Trước khi trồng ớt xuống đất phải ươm cây con. Khi cây con được 4- 5 lá thật mới đem ra ruộng có nhà lưới phủ kín để trồng. Cách bón phân cho 40 cao đất trồng ớt như sau: bón lót 300kg phân vi sinh, 300kg NPK 20-20-15 TE (Bình Điền); sau 25 ngày trồng bón thúc đợt 1 200kg NPK 20-20-15 TE (Bình Điền); sau khi thu hoạch xong đợt 1 bón thúc đợt 2 là 200kg NPK như trên.

Khi có dịch hại, chủ yếu dùng thuốc sinh học phòng trừ. Do ớt trồng trong nhà lưới nên ít bị sâu hại, từ đó ít dùng thuốc hoá học, ớt đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Theo dự toán chi tiết, lợi nhuận khi thực hiện mô hình này cao hơn ngoài mô hình khoảng 18 triệu đồng/40 cao/vụ (khoảng 45 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, do bước đầu trồng thí điểm, nên mô hình trồng ớt trong nhà lưới còn nhiều hạn chế như: trong thời gian trồng mưa gió quá nhiều nên độ ẩm cao, ánh sáng thấp; lưới che nắng dùng loại xanh đen là chưa phù hợp cho cây ớt (do làm tối nhà lưới), nên cây ớt quang hợp kém; chi phí đầu tư ban đầu cao (do làm nhà lưới), sẽ có hộ gặp khó khăn về vốn đầu tư.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong việc thực hiện thí điểm mô hình trồng ớt trong nhà lưới, Thạc sĩ Trương Tấn Đạt rút ra một số kinh nghiệm: nên sử dụng lưới trắng phủ mặt trên nhà lưới để cây ớt tiếp xúc được nhiều ánh sáng, tạo điều kiện quang hợp tốt hơn; vỉ ươm cây con cần có đường kính lớn và sâu hơn để bảo đảm rễ phát triển trong giai đoạn cây con; khi bón thúc cần rạch rãnh sâu từ 5- 7cm rồi đưa phân vào để tăng khả năng sử dụng phân của cây; phun xịt định kỳ từ 7- 10 ngày/lần khi cây bắt đầu cho trái bằng Nitrate canxi (Ca(NO3)2) nồng độ 20-25g/16 lít để bổ sung canxi cho cây, nhằm hạn chế ớt bị thối đuôi trái.

Bên cạnh đó, tham gia mô hình, nông dân phải bảo đảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không mua ớt bên ngoài trộn vào; thu hoạch ngày nào thì giao cho công ty ngày đó, không hái ớt trước từ 1 ngày trở lên sẽ làm ớt héo... Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Trảng Bàng kiến nghị cấp trên cần có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu (xây nhà lưới) để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia mô hình và phát triển quy mô lớn.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây