Kết quả 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở

Thứ ba - 21/07/2015 09:00 49 0
Với mục tiêu đẩy nhanh xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng miền; tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người.

IMG_2920.JPG

Thông qua lớp đào tạo, cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở đã góp phần rút ngắn khoảng cách về nhu cầu hưởng thụ thông tin cho người dân

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, tỉnh Tây Ninh đã triển khai và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, khẳng định được tính cần thiết và hiệu quả của Chương trình. Bên cạnh đó, sự đồng thuận về chủ trương đầu tư và sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh, sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và sự tích cực phối hợp của các đơn vị liên quan đã tạo điều kiện cho  Sở TT&TT hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2011-2015, Sở TT&TT Tây Ninh được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện dự án "Tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" (Dự án 1) và dự án "Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" (Dự án 3) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đối với Dự án 1, Sở TT&TT đã thực hiện theo từng chỉ tiêu của Dự án, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch. Cụ thể, đã tổ chức 03 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ đài truyền thanh huyện; phóng viên, biên tập viên đài truyền thanh huyện; cán bộ kỹ thuật đài truyền thanh huyện; chuyên viên phòng văn hóa và thông tin huyện; các chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã; cán bộ đài truyền thanh xã; cán bộ trạm truyền thanh; cán bộ văn hóa - xã hội xã; cán bộ nhà văn hóa xã; trưởng ấp; cán bộ chữ thập đỏ, mặt trận ấp; ban quản lý ấp...

Theo kết quả tổng hợp từ các phiếu đánh giá của học viên tham dự các lớp đào tạo về các tiêu chí như: bài giảng và tài liệu; phương pháp giảng dạy; mức độ phù hợp giữa nội dung học tập với yêu vầu thực tế công việc; mức độ thỏa mãn giải đáp các thắc mắc của học viên theo từng nội dung của chương trình bồi dưỡng được đánh giá ở mức tốt, chiếm tỷ lệ 90%. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng học viên được trang bị các kiến thức về hình thức tuyên truyền ở cơ sở; phương pháp phát hiện đề tài, khai thác tài liệu của cán bộ truyền thanh cơ sở; kỹ năng thực hiện các chương trình truyền thanh cơ sở; quy trình vận hành hệ thống truyền thanh cơ sở (loa, micro, máy tăng âm - bàn trộn âm), hướng dẫn kỹ thuật ghi âm, cách sử dụng và bảo quản các phương tiện truyền thanh cơ sở... Thông qua lớp đào tạo, đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.

Đối với Dự án 3 "Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo", trong giai đoạn 2011- 2014, SởTT&TT đã thực hiện theo từng chỉ tiêu của Dự án, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch. Cụ thể, Sở đã hợp đồng đặt hàng với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Đài Truyền thanh 05 huyện biên giới của tỉnh thực hiện phát sóng trên sóng phát thanh và truyền hình địa phương 75 chương trình phát thanh, 192 chương trình truyền hình do Bộ TT&TT gửi vào. Đồng thời đặt hàng các Đài sản xuất 90 chương trình phát thanh (không có chương trình bằng tiếng dân tộc), 25 chương trình truyền hình và in ấn 15.000 tờ rơi ấn phẩm truyền thông phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các chương trình truyền hình, xuất bản phẩm được xây dựng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương được đông đảo bà con tiếp thu và đón nhận. Thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình và ấn phẩm truyền thông  đã góp phần phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến, các kiến thức về tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất; giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới góp phần nâng cao dân trí, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa- xã hội cho người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở đóng vai trò thiết thực, có ý nghĩa lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở có vai trò quan trọng, làm nòng cốt để đưa hoạt động thông tin truyền thông cơ sở phát triển mạnh. Sau khóa học, các học viên được trang bị những kiến thức cần thiết để phục vụ công tác chuyên môn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Mặt khác, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở  miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không mang tính trùng lắp với chương trình mục tiêu quốc gia khác và chương trình khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, Chương trình này còn mang tính bổ sung, hỗ trợ cho việc hoàn thành mục tiêu của đề án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020, góp phần rút ngắn khoảng cách về thông tin giữa các vùng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân ở khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng - chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tâm Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây