Theo đánh giá chung tình hình 9 tháng, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dần đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả, các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu, lao động cuối kỳ, nộp ngân sách đều tăng so với cùng kỳ. Điều đáng quan tâm là các khu công nghiệp đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn như: dự án sản xuất vải dệt kim, vải đan móc của Công ty TNHH Dệt may S.Power (Việt Nam) với vốn đầu tư 60 triệu USD, dự án Nhà máy Ritar Power (Việt Nam) với vốn đầu tư 50 triệu USD. Ngoài ra, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiếp tục tăng thêm vốn đầu tư như: dự án chế tạo lốp xe radian của Công ty TNHH Sailun Việt Nam tăng thêm 100 triệu USD, dự án nhà máy dệt vải Gain Lucky Việt Nam của Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam tăng thêm 100 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất sợi màu Brotex (Việt Nam) của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) tăng thêm 50 triệu USD.
Lũy kế đến 30/9/2016, tỉnh Tây Ninh có 248 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 4.111 triệu USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2.462/4.111 triệu USD, chiếm 59,8 % tổng vốn đăng ký.
Ước cả năm 2016, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 620 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp khoảng 27 triệu USD và giải quyết việc làm cho 128.000 lao động.
Vũ Anh