Không được lợi dụng tăng lương để tăng giá

Thứ sáu - 07/05/2010 00:00 64 0

Các biện pháp hạn chế nhập siêu, chính sách điều hành giá cả, điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp… là những vấn đề được báo chí quan tâm tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2010, chiều ngày 5/5.

Thông báo tới báo chí những nội dung chủ yếu của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2010, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đặc biệt quan tâm việc điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để đầu cơ xảy ra trên thị trường đặc biệt là giá thuốc và những mặt hàng thiết yếu

Về vấn đề được báo chí quan tâm là việc tăng lương tháng tối thiểu từ ngày 1/5 có ảnh hưởng đến giá tiêu dùng cũng như lạm phát hay không, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã khẳng định tăng lương nhưng không tăng giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, tăng lương nằm trong tổng thể Đề án tăng lương đã được hoạch định từ nhiều năm trước, tính trong thu ngân sách và đều nằm trong dự toán ngân sách, không phải phát hành thêm hay làm tăng tiền trong lưu thông.

Do đó, xét về mặt kinh tế thì không có chuyện tăng lương là làm tăng giá cũng như không được lợi dụng việc tăng lương để tăng giá.  Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhấn mạnh đến vai trò của báo chí tại thời điểm này cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Đưa lãi suất xuống mức phù hợp

Đối với chính sách lãi suất hiện nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm các chi phí để hạ mặt bằng lãi suất xuống mức mà người vay và doanh nghiệp có thể chấp nhận được để thúc đẩy sản xuất.

Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước, đồng thời thông qua Hiệp hội Ngân hàng thu xếp thỏa thuận, khuyến cáo và đề nghị các thành viên đồng thuận hạ lãi suất.

Đến nay, mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 14%, với các đối tượng cần được ưu đãi như nông nghiệp, xuất nhập khẩu… thì các mức lãi suất được thống nhất cho vay là 13%, vay trung dài hạn là 14%, lãi suất huy động cũng được kéo xuống là 11%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc: Tình hình kinh tế xã hội trong thời gian vừa qua có những chuyển biến tốt - Ảnh: Chinhphu.vnĐến thời điểm này, việc đưa mức lãi suất xuống mức như vậy là phù hợp với thị trường cũng như các mục tiêu ngắn và dài hạn. Chính sách lãi suất là chính sách linh hoạt, phù hợp quan hệ cung cầu về vốn cũng như mục tiêu về kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. 

Ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng thiết  yếu

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết, trong giai đoạn 1991 – 2005, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam ở mức  15 – 16% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng trong 4 tháng đầu năm 2010, nhập siêu khoảng 4,65 tỷ USD, bằng 23,1% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương đang thực thi các biện pháp cần thiết để giảm nhập siêu xuống mức dưới 20% như Chính phủ chỉ đạo, trong đó,  đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu, ưu tiên nhập những mặt hàng, thiết bị cần thiết cho nền kinh tế, hạn chế nhập khẩu những mặt tiêu dùng không cần thiết.

Liên quan đến việc nhập khẩu các thiết bị 3G (công nghệ thế hệ thứ 3),  ngày 25/3/2010, Bộ Công Thương đã có Công văn số 66 gửi Bộ TT- TT rà soát lại việc nhập khẩu thiết bị 3G để có các biện pháp phù hợp điều chỉnh. “Việc nhập khẩu các thiết bị khoa học tiên tiến là bình thường, tuy nhiên trong điều kiện kinh tế của Việt Nam cũng như trước chỉ tiêu của Quốc hội giao và Chính phủ chỉ đạo mức nhập siêu không quá 20% thì cần xem xét kỹ lưỡng”, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói.

Quan điểm về thuế đối với các thiết bị 3G, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu thông tin thêm, thuế không phải đơn thuần là công cụ nhằm thu ngân sách, mà còn là công cụ để điều tiết tiêu dùng, nếu thấy tiêu dùng chưa cần thiết thì nên xem xét kỹ lưỡng, việc áp dụng thuế đối với điện thoại 3G cũng theo quan điểm trên.

(Theo www.chinhphu.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây