Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Thứ năm - 06/11/2014 00:00 66 0
Văn phòng UBND tỉnh vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm tỉnh căn cứ nội dung theo yêu cầu của Bộ Y tế tại Công văn số 7124/BYT-UBQG50 tổ chức triển khai thực hiện “Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014” diễn ra từ ngày 10/11/2014 đến 10/12/2014.

 

 

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

Việt Nam chọn chủ đề này vì theo tình hình thực tế trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuy vậy ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau như:

Ở gia đình: Cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng hoặc nếu ở chung thì miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm hoặc hạn chế, cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV; Chối bỏ người nhiễm HIV, không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung ...

Còn tại cộng đồng: Cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; Không muốn hoặc cấm người nhiễm HIV dùng chung các vật dụng sinh họat hoặc sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, nhà ăn tập thể; Không sử dụng các dịch vụ mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; Không muốn, không cho tổ chức tang lễ bình thường hoặc không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS.…

Tại các cơ sở y tế: Miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, hoặc bắt phải chờ đợi lâu, hẹn đến khám bệnh vào lúc khác; Đùn đẩy bệnh nhân AIDS giữa các khoa, giữa các bệnh viện; Xét nghiệm phát hiện HIV trước phẫu thuật, trước khi sinh... mà không có ý kiến của bệnh nhân; Từ chối điều trị HIV/AIDS theo chế độ bảo hiểm y tế...;

Tại nơi học tập, làm việc: Xa lánh, ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV;  Lấy máu xét nghiệm HIV khi tuyển dụng hoặc trong quá trình lao động, học tập; Tuỳ tiện thay đổi công việc của người lao động bị nhiễm HIV; Thuyết phục, gây sức ép, tạo cớ… để người nhiễm HIV xin nghỉ việc hay học sinh, sinh viên nghỉ học, thôi học; Bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng ...

Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây:

Vì bản chất của kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó chữa. Trong khi HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV nghĩa là hết.  

Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm tức là những người cho là xấu xa mới bị nhiễm HIV/AIDS, họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi. Đó là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS.

Trong một thời gian dài truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Chúng ta cũng thường hù dọa tạo ra cảnh hãi hùng. Chính việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS dẫn đến tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận, do đó họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ có thể “vô tư” truyền HIV cho người khác.

Thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến người nhiễm bi quan, chán nản, hoặc sợ hãi không tiết lộ danh tính, không tiếp cận dịch vụ do vậy chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng không có được số ca bệnh chính xác, cũng không ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch. Việc lập kế hoạch dựa trên những thông tin không đầy đủ sẽ chỉ làm lãng phí tiền của và đặc biệt là không ngăn chặn được sự lây lan của HIV.

Một vấn đề khác là chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm do không được chăm sóc để lại vợ, con, bố mẹ già làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên làm mất đi một lực lượng có hiệu quả trong phòng, chống AIDS.

Cuối cùng là kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ. Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản to lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.

Như vậy có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đó là lý do Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS; phòng, chống ma tuý, mại dâm tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” để triển khai thực hiện trong tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2014.

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây