Lavifood ký hợp đồng thu mua sản phẩm trái cây của nông dân Tây Ninh

Thứ sáu - 30/06/2017 11:00 294 0
Công ty Cổ phần Lavifood ký hợp đồng thu mua chanh dây và khóm của 5 nông dân trong tỉnh.

Chiều 29.6, tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, đại diện Công ty Cổ phần Lavifood (trụ sở tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do ông Đinh Hùng Dũng- Phó Tổng Giám đốc đã ký hợp đồng thu mua 2 loại sản phẩm trái cây là chanh dây và khóm cho 5 nông dân ở tỉnh Tây Ninh.

Lavifood ký hợp đồng thu mua sản phẩm trái cây của nông dân Tây Ninh

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tới dự họp và chứng kiến lễ ký hợp đồng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp các huyện/thành phố, các chi cục trực thuộc Sở cùng đại diện các ban, ngành tỉnh và nông dân tiêu biểu.

Theo hợp đồng đã ký kết, Công ty Lavifood sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm chanh dây đã được phân loại sau khi thu hoạch trên diện tích 125 ha của 3 nông dân: Nguyễn Văn Còn (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), Đoàn Văn Hữu và Nguyễn Thanh Cường (xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu), với giá cố định là 8.000 đồng/kg (giao hàng tại nhà máy).

Lavifood cũng cam kết thu mua sản phẩm trên diện tích 200 ha khóm của ông Nguyễn Văn Sáu (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) và 35 ha khóm của ông Dương Thanh (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) với giá cố định 6.000 đồng/kg (loại 1kg/quả trở lên) và 4.500 đồng/kg (loại 1 kg/quả trở xuống).

Thời gian thực hiện hợp đồng thu mua cho 2 loại sản phẩm kể trên là 2 năm (hết một chu kỳ sinh trưởng của cây trồng), kể từ tháng 7.2017.

Lavifood ký hợp đồng thu mua sản phẩm trái cây của nông dân Tây Ninh

Đại diện Công ty Cổ phần Lavifood ký hợp đồng mua trái cây với nông dân.

Trong suốt quá trình canh tác cho đến giai đoạn thu hoạch sản phẩm, bên sản xuất phải tuân thủ các chỉ dẫn, quy định khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chủng loại, số lượng, thời lượng, thời gian biểu sử dụng, nhằm đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật chuyên ngành về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản khi thu hoạch; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng các vấn đề bảo hộ lao động, phương pháp tác nghiệp, an toàn sức khỏe và sản phẩm đang canh tác.

Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch phải đạt các tiêu chuẩn về lý-hóa, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không phải là sản phẩm GMO; không có Carbendazim; không tồn dư kim loại nặng (như Cd, Pb, Hg, As...); không bị các loại nấm trái trên vỏ.

Ông Đinh Hùng Dũng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood cho biết, bên cạnh nhà máy chế biến trái cây đang sản xuất ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Công ty đang xúc tiến xây dựng nhà máy Tanifood ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh trên diện tích 15.000 m2; dự kiến đến tháng 3.2018 sẽ lắp đặt máy móc, đến tháng 9.2018 bắt đầu hoạt động một số dây chuyền.

Lavifood ký hợp đồng thu mua sản phẩm trái cây của nông dân Tây Ninh

Vườn chanh dây của một nông dân huyện Tân Châu- Ảnh minh hoạ

Trong khi nhà máy ở Tây Ninh chưa đưa vào hoạt động, Công ty sẽ đưa sản phẩm thu mua trong tỉnh về nhà máy ở Long An để chế biến theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Theo ông Dũng, tại Tây Ninh có 10 loại trái cây rất phù hợp với thổ nhưỡng và có thể sản xuất theo công nghệ cao là chanh dây, xoài, khóm, bưởi trắng, bưởi đỏ, ổi trắng, ổi đỏ, thanh long, đu đủ, chuối. Nông dân cần liên kết phát triển để hợp đồng cung cấp cho nhà máy Tanifood ở Tây Ninh hoạt động sau này.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, định hướng của tỉnh là dành quỹ đất khoảng 50.000 ha để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, tập trung phát triển các vườn cây ăn trái như chanh dây, bưởi da xanh, khóm, thanh long, chuối già Nam Mỹ và rau, củ, quả theo quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap để cung cấp sản phẩm sạch cho các nhà máy chế biến và người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Chiến, định hướng tới năm 2030, tỉnh sẽ thu hút thêm 2 nhà máy chế biến trái cây, rau, củ, quả nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ổn định sản phẩm cho nông dân.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây